ĐHĐCĐ Ngân hàng SHB: Mục tiêu lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng; sẽ “kén rể ngoại” trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều ngày 11/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023.

Mục tiêu lợi nhuận trên 10.200 tỷ đồng, chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18%

Theo báo cáo của HĐQT và Ban điều hành, đến 31/12/2022, tổng tài sản SHB đạt gần 551 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 407 nghìn tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng gần 399 nghìn tỷ đồng; bộ đệm vốn tự có đạt 62.577 tỷ đồng theo chuẩn Basel II.

Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.689 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2021; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở 22,7%.

Với những kết quả đạt được, ĐHĐCĐ SHB đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho năm 2022 với tỷ lệ 18%, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng

Về kế hoạch cho năm 2023, ĐHĐCĐ SHB đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng tài sản đạt khoảng 600.000 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt trên 36.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 10.200 tỷ đồng;

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 12% theo chuẩn mực Basel II; kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tỷ lệ cổ tức dự kiến 15% và qua đó dự kiến vốn điều lệ đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng SHB chiều nay

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng SHB chiều nay

Tiếp tục “kén rể” ngoại

Tại đại hội, HĐQT SHB cũng báo cáo ĐHĐCĐ một số nội dung theo Nghị quyết ĐHĐCĐ cần tiếp tục thực hiện triển khai trong năm 2023.

Trong đó, có việc tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

SHB cho biết từ đầu năm 2022, ngân hàng đã triển khai làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức, định chế tài chính lớn.

Tuy nhiên, cuối năm 2022 thị trường tài chính và chứng khoán có nhiều biến động, dẫn đến định giá công ty niêm yết nói chung và các ngân hàng nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Để bảo vệ tối đa lợi ích cho các cổ đông hiện hữu và đảm bảo giá phát hành phù hợp, việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tạm dừng.

Do vậy, HĐQT SHB trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc SHB tiếp tục thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ 2022 về phương án tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong năm 2023 hoặc cho đến khi hoàn thành giao dịch với nhà đầu tư.

Trong phần hỏi đáp, liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết: SHB từ trước tới nay luôn đang theo xu hướng "chung thuỷ" nhưng sẽ thay đổi chiến lược tìm kiếm cổ đông ngoại khi chấp nhận các nhà đầu tư trong 3 – 5 năm.

“SHB là cô gái đẹp có nhiều chàng trai từ các quốc gia khác muốn kết hôn. Nhưng SHB ưu tiên các chàng trai thủy chung, nên mong muốn đối tác tham gia cùng quản trị điều hành và gắn bó lâu dài.

Tuy nhiên, qua gặp mặt các chàng rể thì các nhà đầu tư này chỉ có chiến lược đầu tư tài chính ngắn và trung hạn. Chung thủy 10 – 20 năm thì không có, nhưng chúng tôi đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài, chấp nhận họ chỉ đầu tư 3 – 5 năm rồi rút vốn” – ông Hiển nói.

Trái phiếu doanh nghiệp an toàn, xem xét khả năng chia cổ tức tiền mặt

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến khoản chứng khoán đầu tư 32.594 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà cho biết: Theo BCTC, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán gồm 3 phần: trái phiếu chính phủ: 19.000 tỷ, trái phiếu của TCTD là 1.150 tỷ, trái phiếu tổ chức kinh tế (trái phiếu doanh nghiệp) 13.186 tỷ.

Trái phiếu doanh nghiệp của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền; 40% còn lại là bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 – 5 năm.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh thêm: “SHB rất yên tâm về trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ. Ngân hàng không tham gia bảo lãnh thanh toán, chỉ tham gia dịch vụ đại lý nhưng rất ít”.

Về đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt khoảng 5-6%, ông Đỗ Quang Hiển cho biết sẽ lưu ý và tiếp thu. “Nhưng chúng ta là người chủ của ngân hàng, luôn phải chăm lo nâng cao năng lực tài chính để yên tâm phát triển. Khi sức khỏe tăng lên thì giá trị vốn hóa của ngân hàng cũng tăng lên” – ông nói.

Trả lời câu hỏi tại sao năm 2023, lợi nhuận, doanh thu tăng nhưng dự kiến cổ tức lại giảm, ông Hiển nói sẽ cố gắng duy trì mức chia cổ tức bằng hoặc hơn năm nay. “Nếu trong năm sau, sức khỏe tài chính được cải thiện chúng tôi sẽ phân tích và sớm trả lời cổ đông về vấn đề cổ tức bằng tiền mặt" – Chủ tịch SHB cho hay.

Về tiến độ thương vụ bán SHB Finance, ông Hiển cho biết: NHNN đã chấp thuận nguyên tắc chuyển nhượng và dự kiến trong tháng 4 sẽ thực hiện xong thủ tục, tháng 5 đối tác sẽ thực hiện giao tiền và sẽ đặt trước 50%; 3 năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại và họ sẽ tham gia vào quản trị điều hành.

Về giá trị bán thì theo thỏa thuận không công bố được nhưng lãnh đạo SHB khẳng định sẽ cao nhất trong số các thương vụ thoái vốn tại công ty tài chính Việt Nam cho nước ngoài.