Dẹp quảng cáo rao vặt: Thiếu giải pháp căn bản

ANTĐ - Sở TT-TT Hà Nội đã 25 lần có công văn gửi đến các doanh nghiệp viễn thông để phối hợp dẹp quảng cáo rao vặt, góp phần xây dựng Thủ đô xanh sạch đẹp, nhưng xem ra, hoạt động này vẫn rất sôi động. 

Các bảng quảng cáo rao vặt miễn phí cần đặt ở vị trí hợp lý (ảnh minh họa)

Rác tường chưa chấm dứt

Tại công văn đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ số điện thoại quảng cáo rao vặt lần thứ 25 vừa được Sở TT-TT Hà Nội công bố, có tới 123 số điện thoại của VNPT, Vinaphone, Mobifone, Viettel tiếp tục vi phạm về quảng cáo, làm bẩn tường nhà, ngõ xóm. Trong đó vẫn là những nội dung cũ như: gia sư, thông tắc bể phốt, cầm cố “sổ đỏ”, sửa nhà... 

Đại diện đoàn thanh tra liên ngành dẹp quảng cáo rao vặt tại các quận, huyện cho biết, có không ít trường hợp thuê bao đã bị ngừng cung cấp dịch vụ nhưng lại sử dụng thuê bao của vợ, của con, hoặc đăng ký số mới để quảng cáo, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Chính vì nhiều thuê bao quảng cáo rao vặt mới phát sinh nên Sở TT-TT Hà Nội đã có 25 văn bản đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ, nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ- Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT-TT Hà Nội) cho hay, 3 năm kể từ khi Hà Nội bắt đầu chiến dịch dẹp rác tường, đã có hơn 3.000 số điện thoại quảng cáo rao vặt bị cắt liên lạc. Số máy này tương đương với số thuê bao phát triển của một tỉnh trong vòng một năm. Tại nhiều thời điểm, chiến dịch dẹp quảng cáo rao vặt đạt hiệu quả, nhiều ngõ xóm, tường nhà không còn “rối mắt”. Ý thức người dân được nâng lên đáng kể khi họ biết tự bảo vệ tường nhà mình, tự tay bóc xóa quảng cáo rao vặt trong ngõ xóm. Một số địa phương khác trong cả nước đã học tập Hà Nội làm sạch đường làng, ngõ phố. Các quận, huyện làm tốt công tác này như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Thanh Trì, Thường Tín... Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, các thông tin quảng cáo này lại xuất hiện. 

Giải pháp thủ công

Cách thức gửi văn bản đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ với các số điện thoại rao vặt một cách định kỳ mang lại hiệu quả, song rất thủ công bởi “người bày cứ bày, người dọn cứ dọn”. Thế nên vi phạm tái diễn và không thể ngăn chặn. 

Theo đại diện đoàn thanh tra liên ngành, Hà Nội hiện đã lắp đặt 946 bảng quảng cáo rao vặt, phục vụ cho hoạt động này tại các quận, huyện. Nhưng trên thực tế, một số bảng còn làm một cách chiếu lệ là đặt ở giữa ruộng hay những vị trí quá khuất tầm nhìn. “Chẳng người đi quảng cáo nào muốn bước xuống ruộng để dán quảng cáo, cũng không người xem nào muốn đứng trên bờ xem quảng cáo ở giữa ruộng” - vị đại diện đoàn thanh tra nói. Nếu bảng quảng cáo rao vặt đặt tại vị trí dễ nhìn thì gây mất mỹ quan, nhưng đặt ở vị trí khó nhìn thì chẳng ai muốn quảng cáo!

Đại diện Sở TT-TT Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp viễn thông lớn đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc dẹp quảng cáo rao vặt, không nề hà giảm doanh thu. Vấn đề đặt ra là nếu doanh nghiệp biết địa chỉ của đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện quảng cáo rao vặt mà ngăn chặn thì có thể giải quyết triệt để. Đây là giải pháp khó khả thi, nhất là khi thông tin đăng ký thuê bao còn chưa được chính xác. 

Thêm vào đó, sự phối hợp của các bên quản lý liên quan chưa chặt chẽ. Ví dụ, khi nhiều tổ dân phố đặt mục tiêu không để quảng cáo rao vặt xuất hiện trên địa bàn mới được công nhận là khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa... Khi thấy quảng cáo rao vặt xuất hiện trên dây điện, họ muốn tháo gỡ ngay nhưng sợ điện giật! Trong khi đó ngành điện lại không có trách nhiệm liên quan.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, từ nay đến đầu năm 2013, EVN Hà Nội đã cam kết cùng chung tay dẹp quảng cáo vi phạm. Các công ty điện lực thuộc 29 quận, huyện sẽ bóc xóa các quảng cáo rao vặt trên trạm biến áp, đường dây của họ. Đây là giải pháp khả thi, nhưng rõ ràng để ngăn chặn quảng cáo rao vặt trái phép, cần biện pháp mạnh tay hơn. Ví dụ, ngoài việc ngừng cung cấp dịch vụ, người vi phạm có thể bị xử phạt.