Đề xuất nới điều kiện đối với người mua nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa công bố lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đã “nới” điều kiện đối với người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Bỏ quy định làm khó người mua nhà

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:

Đối với điều kiện về nhà ở: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.

Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15m2 sàn/người.

Như vậy, thay đổi quan trọng của Nghị định là đã bỏ tiêu chí về nơi cư trú. Theo quy định hiện hành, người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.

Ngoài ra, tiêu chuẩn về diện tích nhà ở bình quân theo quy định hiện hành là dưới 10m2 thì theo dự thảo Nghị định đã được tăng lên mức dưới 15m2.

Về điều kiện thu nhập, dự thảo Nghị định quy định: Đối với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau: Có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận;

Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (Hiện ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh với 1 người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng).

Các quy định mới sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn

Các quy định mới sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn

Đối với đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 76 của Luật Nhà ở thì dự thảo Nghị định quy định phải thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Chính phủ.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội

Ngoài thay đổi đáng chú ý nêu trên, dự thảo Nghị định còn đề xuất loạt thay đổi về quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; về xác định giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội; về trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội…

Theo Bộ Xây dựng, qua gần 9 năm tổ chức triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định liên quan cho thấy còn nhiều bất cập như: Thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương bị chậm trễ, kéo dài…

Điều này làm giảm sự tham gia của các doanh nghiệp vào đầu tư nhà ở xã hội; Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý; Thủ tục hành chính kéo dài, dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp, người dân cũng như áp lực lên hệ thống chính quyền địa phương...

Bên cạnh đó, theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Mặc dù có nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên một số địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025, hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Hiện nay, Luật Nhà ở 2023 đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với một số nội dung mới được bổ sung, sửa đổi trong Luật Nhà ở 2023, đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung hiện hành để phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc quản lý, phát triển nhà ở xã hội (Nghị định này sẽ thay thế các Nghị định nêu trên.

Từ đó, Bộ Xây dựng cho rằng việc ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật là cần thiết, kịp thời khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tế cũng như bảo đảm đồng bộ thống nhất với các pháp luật liên quan, đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn…