Đề nghị ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thu mua thóc, gạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương cho rằng, việc tiếp cận vốn của các thương nhân để thu mua thóc gạo còn nhiều khó khăn nên cần hỗ trợ thiết thực hơn cho nhóm đối tượng này.
Giá thóc gạo tại ĐBSCL đang xuống thấp, cần hỗ trợ việc thu mua tạm trữ

Giá thóc gạo tại ĐBSCL đang xuống thấp, cần hỗ trợ việc thu mua tạm trữ

Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN xem xét, chỉ đạo các NHTM tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân.

Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra 2 giải pháp: Một là, NHNN chỉ đạo NHTM có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp; Hai là, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Tại cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT diễn ra ngày 7-8, các tỉnh ĐBSCL cho biết, thời gian qua, giá lúa đã giảm khoảng 700 đồng/kg đối với lúa thường, 400-500 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao và 200 đồng/kg đối với lúa thơm.

Theo Bộ NN&PTNT, việc giá lúa giảm thời gian qua chủ yếu do hoạt động thu mua lúa của các doanh nghiệp, thương lái gặp khó khăn do các địa phương áp dụng việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển do dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì lực lượng lao động phục vụ công tác thu mua, chế biến. Ngoài ra, Cảng Cát Lái ách tắc hàng hóa cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động thu mua thóc, gạo.

Ngày 10-8, NHNN đã có văn bản số 5747/NHNN-TD đề nghị các NHTM và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSSCL đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực ĐBSCL bằng nhiều hình thức như: mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...

Tuy nhiên, qua công tác theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi tại cuộc họp ngày 12-8 giữa Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Nam với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn theo văn bản số 5747/NHNN-TD nêu trên tuy đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng nhưng chưa hoàn toàn được thuận lợi.

Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để giải quyết khó khăn trong thu mua lúa gạo tạm trữ hiện nay.