Để có thêm những vinh quang

(ANTĐ) - Sự kiện kỳ thủ Lê Quang Liêm bảo vệ thành công chức vô địch ở giải cờ vua Aeroflot 2011 đã đưa vị thế cờ vua Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế. Thế nhưng, đằng sau vinh quang đó là cả một bài toán không hề đơn giản về việc đào tạo và chăm chút những tài năng.

Để có thêm những vinh quang

(ANTĐ) - Sự kiện kỳ thủ Lê Quang Liêm bảo vệ thành công chức vô địch ở giải cờ vua Aeroflot 2011 đã đưa vị thế cờ vua Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế. Thế nhưng, đằng sau vinh quang đó là cả một bài toán không hề đơn giản về việc đào tạo và chăm chút những tài năng.

Trở thành kỳ thủ duy nhất 2 lần đăng quang tại giải vô địch cờ vua danh giá nhất của Nga, Lê Quang Liêm mau chóng trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các trang báo thể thao trong tuần qua. Nhưng con đường đến với vinh quang kia, không phải ai cũng biết.

Lê Quang Liêm đã làm rạng danh thể thao Việt Nam

Lê Quang Liêm đã làm rạng danh thể thao Việt Nam

Đã từ lâu, việc đầu tư dàn trải khiến cho thể thao Việt Nam thường không đạt kết quả cao trên trường quốc tế. Ngoài một số môn thể thao trọng điểm, có mặt trong hệ thống thi đấu Olympic được đầu tư một cách toàn diện, còn lại hầu hết đều phải chịu chung cảnh ngộ “bị bỏ rơi”.

Với hơn 80 triệu dân, Việt Nam không phải không có những nhân tài. Nhưng chính việc thiếu kinh phí đã khiến TTVN bỏ sót không ít tài năng, hoặc nếu có được phát hiện thì sự đầu tư nhỏ giọt như thể “cho có lệ” khiến những VĐV dù có tố chất tốt nhưng không thể phát huy một cách hiệu quả nhất. Nếu không có sự hỗ trợ tài chính của gia đình, những Mạnh Thường Quân thì liệu Lê Quang Liêm có thể góp mặt ở những giải đấu quốc tế danh giá và mang về vinh quang cho Tổ quốc?

Từ lâu, những VĐV ở các môn như cờ vua, billiards-snoocker, golf đã phải quen với việc tự bỏ tiền túi để tham dự những giải đấu quốc tế. Mới đây, tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã một mình lặng lẽ cầm vợt sang Indonesia thi đấu tại giải cầu lông Super Liga Indonesia. Chấp nhận tự mình chi trả mọi chi phí, chỉ đơn giản, tay vợt số 1 Việt Nam cần cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm để hoàn thành ước mơ vô địch thế giới. Hay câu chuyện người cha Lê Quang Quýnh đưa con mình sang Nga thi đấu, hành trang là chiếc vali đựng đầy mỳ tôm, thịt hộp… với biết bao tâm trạng nơi đất khách, khiến không ít người, thậm chí là cả những người làm thể thao nước nhà phải suy nghĩ.

Rõ ràng, kể cả khi có trong tay những tài năng, nhưng nếu không có sự đầu tư đúng mức, sẽ chẳng thể thu được thành quả như mong đợi. So với nhiều VĐV khác, Liêm được xem là may mắn hơn khi được sự quan tâm và hỗ trợ của Liên đoàn cờ vua TP.HCM. Nhờ đó mà kỳ thủ số 1 Việt Nam có cơ hội được thi đấu tại nhiều giải đấu quốc tế mơ ước. Và tất nhiên, chức vô địch Aeroflot 2011 cùng thành tích ấn tượng của Lê Quang Liêm trong thời gian vừa qua chính là thành quả cho sự đầu tư đúng lúc, đúng chỗ của những người làm thể thao TP.HCM. Nhưng đáng tiếc, không phải ngành thể thao nào cũng suy nghĩ và có những quyết định đầu tư táo bạo như vậy.

Với phong độ hiện tại cùng suất tham dự giải cờ vua siêu đại kiện tướng Dortmund diễn ra vào tháng 7 tại Đức, có thể Liêm sẽ được mời tham dự nhiều giải uy tín hàng đầu thế giới trong năm.

Khả năng để kỳ thủ này lọt vào top 10 các siêu kiện tướng, thậm chí là vị trí số 1 thế giới không phải là không có cơ sở. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào những nỗ lực của cá nhân Liêm hay những hỗ trợ có giới hạn từ phía Liên đoàn cờ vua TP.HCM chắc chắn là không đủ. Một cái nhìn toàn diện, sự đầu tư đúng mức và thậm chỉ cả việc đặt ra những mục tiêu táo bạo là điều không chỉ Liêm mà bất cứ VĐV nào, ngành thể thao nào cũng đang mong chờ.

Từ trường hợp của Liêm, xin được trích dẫn ý kiến của ông Đặng Tất Thắng, Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam sau thành tích ấn tượng của Lê Quang Liêm: “Nếu được đầu tư mạnh mẽ từ nguồn kinh phí của Nhà nước và xã hội, tôi tin chắc cờ vua và cả thể thao Việt Nam nữa sẽ không chỉ có mình Lê Quang Liêm nức danh trên trường quốc tế”.

Thuần Thư