Đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

ANTĐ - Hơn 10 năm qua, nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nhập siêu của cả nước và giới chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng này. Việt Nam hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế nếu biết tận dụng cơ hội xuất khẩu.

Giày dép-một trong số những mặt hàng cạnh tranh gay gắt giữa hàng nội và hàng Trung Quốc

Nhập siêu giảm nhưng vẫn đáng ngại

Bà Nguyễn Việt Chi- Phó Vụ trưởng Vụ châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, nhập siêu từ Trung Quốc không ngừng tăng lên, từ 210 triệu USD lên mức 19 tỷ USD tính đến hết năm 2012. Riêng 10 tháng đầu năm 2013, con số này đã đạt 16,9 tỷ USD”. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ nhập siêu đã giảm dần, từ mức 85% giai đoạn 2001-2008 xuống còn 17% giai đoạn 2009-2013. Tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến lớn, nếu năm 2008 tỉ lệ trên đạt 255% thì đến năm 2012 còn 133%. 

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất. Đáng chú ý, nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, sản xuất trong nước ngày càng tăng, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, việc phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc dự báo sẽ ngày càng lớn nếu như Việt Nam không có giải pháp cải thiện mạnh mẽ. Đáng chú ý, trong số các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhiều sản phẩm là công nghệ cũ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu… 

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập siêu lớn và kéo dài còn dẫn đến nguy cơ thất thoát ngoại tệ, giảm việc làm, thu nhập và sản xuất trong nước bị đe dọa khi phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ. 

“Tấn công” thị trường Trung Quốc bằng nông sản

Theo Vụ châu Á- Thái Bình Dương, nhu cầu nông sản Trung Quốc hiện đang rất lớn. Năm 2012, quy mô ngoại thương của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ, trở thành quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới đạt trên 3.866 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc năm 2012 đạt 112,4 tỷ USD, thâm hụt thương mại nhóm hàng này là 49,1 tỷ USD. Các sản phẩm nông sản được Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu gồm: ngũ cốc, bông và đường ăn, các loại hạt có dầu và dầu thực vật, rau quả và trái cây, sản phẩm gia súc gia cầm.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một trong các thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam với kim ngạch tăng trưởng bình quân 3 năm gần đây (từ năm 2010 đến 2012) đạt 35,9% và chiếm tỷ trọng 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, thị trường 1,3 tỷ dân này còn có cơ cấu hàng nông sản tương tự như Việt Nam, có vị trí địa lý gần gũi thuận tiện cho vận tải nên mặt hàng nông sản sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập. 

Nói với các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, định hướng thương mại năm 2014 sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm tới sẽ ở mức 10% so với năm nay.

Để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng chất lượng kém, theo bà Nguyễn Việt Chi, Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn, hoàn thành hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu.