- Tháng 5-2019: Tỷ lệ đúng giờ của hàng không Việt duy trì ở mức cao so với thế giới
- 10 hãng hàng không giá rẻ, an toàn nhất thế giới
Rủi ro khi di chuyển bằng đường hàng không
Theo quy định mới được Cục Hàng không dân dụng Thái Lan thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 20-5, các hãng hàng không phải bồi thường và cung cấp hỗ trợ cho hành khách khi chuyến bay bị hoãn, kể cả chuyến bay quốc tế và nội địa. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực hàng không tại Đông Nam Á - nơi tình trạng chậm, hủy chuyến vẫn còn phổ biến. Hoãn chuyến bay là một trong những rủi ro mà hành khách có thể gặp phải khi di chuyển bằng đường hàng không. Đây là tình trạng chuyến bay bị hoãn lại hay khởi hành muộn hơn so với thời gian dự kiến của các hãng hàng không. Khoảng thời gian hoãn có thể chỉ khoảng vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên đối với những trường hợp bất khả kháng thì chuyến bay còn bị hoãn cả ngày hay vài ngày.
![]() |
Hãng hàng không JetBlue bị Bộ Giao thông vận tải Mỹ phạt vì để chậm chuyến bay thường xuyên |
Thông thường, các hãng hàng không sẽ thông báo trước cho khách hàng tình trạng hoãn hay khởi hành muộn hơn thông qua tin nhắn hoặc email. Thế nhưng, trong một số trường hợp, hành khách đến sân bay rồi mới nhận được thông tin trễ chuyến vì một số nguyên nhân nhất định. Theo con số thống kê, chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9-2024), trên toàn thế giới có tới 18,6 triệu chuyến bay bị hoãn và hủy, tức là khoảng 3,01 triệu chuyến bay mỗi tháng. Trong số 10 quốc gia có số lượng chuyến bay cao nhất trong giai đoạn trên, Trung Quốc và Canada có tỷ lệ hủy chuyến cao nhất, lần lượt là khoảng 5% và 3,4% . Ngược lại, Tây Ban Nha và Ấn Độ có tỷ lệ hủy chuyến thấp nhất, lần lượt là khoảng 0,8% và 1,1%.
Có nhiều lý do dẫn tới việc các chuyến bay bị hoãn, bị chậm. Ngày 19-7-2024, việc cập nhật phần mềm sản phẩm Endpoint Detection và Response (EDR), vốn được cài đặt trên máy tính của khách hàng để giúp bảo vệ họ khỏi tin tặc, đã khiến Windows trên các máy chủ bị sập. Hệ quả là nhiều sân bay trên thế giới tê liệt, hơn 38.000 chuyến bay bị hoãn trên toàn cầu. Các sân bay trên toàn thế giới đã phải chứng kiến cảnh hàng dài hành khách bất mãn xếp hàng khi lỗi hệ thống làm gián đoạn quy trình làm thủ tục.
Hay như đầu tháng 10-2024, xung đột căng thẳng ở Trung Đông đã gây ra sự hỗn loạn trong hoạt động hàng không, khi các hãng hàng không toàn cầu phải chuyển hướng hoặc hủy các chuyến bay đến các sân bay khu vực, bao gồm: Lebanon, Israel và Kuwait. Theo công cụ theo dõi hãng hàng không, tất cả các chuyến bay khởi hành từ Sân bay quốc tế Abu Dhabi Zayed của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều bị hoãn, trong khi 56% các chuyến bay khởi hành từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv của Israel bị hủy. Còn tại Sân bay quốc tế Queen Alia ở Amman, Jordan, khoảng 38% số chuyến bay đến đã bị hủy.
Cũng còn các lý do khác như vấn đề an ninh khi hành khách bắt buộc phải trải qua nhiều thủ tục nghiêm ngặt, nhất là với các chuyến bay quốc tế đòi hỏi thủ tục “thông quan” khắt khe hơn. Hay như diễn biến thời tiết thất thường khiến các hãng hàng không buộc phải chọn phương án hoãn hoặc thậm chí là hủy chuyến vì một cơn mưa lớn, bão bất thường hay tình trạng sương mù. Cũng có nguyên nhân do hạ tầng hàng không bị quá tải, bao gồm các điều kiện tại sân bay không đáp ứng đủ yêu cầu để chuyến bay có thể hạ cánh hoặc cất cánh một cách an toàn.
Nhiều quy định bồi thường với khách hàng
Tuy nhiên, dù tình trạng trên xảy ra vì lý do gì thì nó cũng khiến hành khách cảm thấy khó chịu, bất tiện vì phải dành thêm thời gian ở sân bay hoặc đợi ở nơi điểm xuất phát, làm ảnh hưởng đến lịch trình cá nhân của mỗi người. Chính vì thế, các nước trên thế giới đều tìm các biện pháp giảm tới mức thấp nhất của việc hoãn hoặc chậm các chuyến bay. Trong đó, việc áp dụng các quy định bồi thường được cho là có khả năng cải thiện việc bay đúng giờ.
Trở lại với quy định mới được Cục Hàng không dân dụng Thái Lan thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 20-5-2025. Theo quy định này, đối với chuyến bay quốc tế, nếu chuyến bay bị hoãn hơn 2 giờ, hãng bay có trách nhiệm cung cấp đồ ăn thức uống miễn phí và truy cập miễn phí các dịch vụ liên lạc. Trường hợp chuyến bay bị hoãn hơn 5 giờ, ngoài các hỗ trợ cơ bản, hành khách được bồi thường 1.500 baht (khoảng 1,2 triệu đồng) bằng tiền mặt hoặc hình thức tương đương trong vòng 14 ngày kể từ khi xảy ra sự cố. Với chuyến bay bị hoãn hơn 10 giờ, mức bồi thường sẽ tăng theo quãng đường, từ 2.000 đến 4.500 baht (1,6 - 3,6 triệu đồng).
Đối với chuyến bay bị hủy mà không thông báo trước ít nhất 7 ngày, mức bồi thường tương đương trường hợp hoãn trên 10 giờ. Tuy nhiên, hãng bay sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường nếu sắp xếp được chuyến bay thay thế cùng điểm đến trong vòng 3 giờ trước hoặc sau thời gian đã lên lịch, hoặc việc hủy chuyến do các trường hợp bất khả kháng như thời tiết cực đoan.
Đối với chuyến bay nội địa, tiền bồi thường khi chuyến bay bị hoãn cũng được tăng lên mức 1.500 baht. Nếu hành khách đã ngồi trên máy bay mà chuyến bay bị hoãn, hãng phải đảm bảo khoang máy bay thoáng khí, nhiệt độ phù hợp, khả năng tiếp cận nhà vệ sinh và dịch vụ y tế khẩn cấp.
Với Liên minh châu Âu (EU), từ năm 2004, EU đã áp dụng quy định EU261 về bồi thường cho khách đi máy bay, được xem là quy định bảo vệ hành khách mạnh nhất thế giới. Khi chuyến bay bị chậm từ 3 giờ, bị hủy trong vòng 14 ngày trước khởi hành, hoặc hành khách bị từ chối lên máy bay vì hết chỗ, mức bồi thường có thể lên đến 600 euro (17,5 triệu đồng).
Ở Mỹ, hôm 15-1-2025, chính quyền nước này đã khởi kiện hãng hàng không Southwest Airlines, đồng thời phạt Frontier Airlines do 2 hãng hàng không này đã điều hành nhiều chuyến bay bị hoãn liên tục, gây gián đoạn việc đi lại của hành khách. Giới chức Mỹ đã điều tra 2 đường bay nội địa của hãng Southwest Airlines từ năm 2022 và phát hiện trong suốt 5 tháng, 2 đường bay này liên tục bị trì hoãn, với tổng cộng 180 chuyến bay bị gián đoạn. Giải thích về đơn kiện với Southwest Airlines, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết: “Hành động hôm nay gửi đi thông điệp tới tất cả các hãng hàng không rằng, Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã sẵn sàng ra tòa để thực thi các biện pháp bảo vệ hành khách”.
Đối với hãng hàng không Frontier Airlines, chính quyền Mỹ đã ra mức phạt lên tới 650.000 USD (khoảng 16,5 tỷ đồng) vì hãng này không khắc phục các chuyến bay bị trì hoãn. Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải Mỹ (USDOT), một chuyến bay bị coi là chậm trễ kinh niên nếu chậm ít nhất 10 lần một tháng và đến muộn hơn 30 phút trong ít nhất 50% thời gian. Tuy nhiên, một nửa số tiền phạt nói trên với Frontier Airlines có thể được hoàn trả nếu hãng này đảm bảo không còn chuyến bay nào bị gián đoạn trong 3 năm tiếp theo.
Cũng trong tháng 1-2025, USDOT còn ra quyết định phạt hãng hàng không JetBlue Airways 2 triệu USD do vi phạm nghiêm trọng quy định về lịch trình bay. Cuộc điều tra của USDOT cho thấy từ tháng 6-2022 đến tháng 11-2023, JetBlue đã để xảy ra ít nhất 145 lần chậm chuyến trên 4 đường bay. Theo phương án xử phạt, một nửa số tiền sẽ được hoàn trả cho hành khách bị ảnh hưởng trong năm tới. Phần còn lại được nộp vào ngân sách, trong đó 500.000 USD phải thanh toán trong vòng 60 ngày và số tiền tương đương sẽ được nộp sau 1 năm.