Đấu trí tại Vĩ tuyến 17

(ANTĐ) - Chiến tranh đã đi qua 32 năm và vĩ tuyến 17 với những câu chuyện của người chiến sỹ gác giới tuyến càng là một quãng thời gian quá dài, hơn 50 năm. Nhưng câu chuyện về một địa danh với những người chiến đấu tại đó, đã trở thành câu chuyện đặc biệt. Bởi ở đó, giữa ta và địch không chiến đấu với nhau bằng vũ khí mà còn là những cuộc đấu trí...

Đấu trí tại Vĩ tuyến 17

(ANTĐ) - Chiến tranh đã đi qua 32 năm và vĩ tuyến 17 với những câu chuyện của người chiến sỹ gác giới tuyến càng là một quãng thời gian quá dài, hơn 50 năm. Nhưng câu chuyện về một địa danh với những người chiến đấu tại đó, đã trở thành câu chuyện đặc biệt. Bởi ở đó, giữa ta và địch không chiến đấu với nhau bằng vũ khí mà còn là những cuộc đấu trí...

Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải trên Vĩ tuyến 17
Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải trên Vĩ tuyến 17

Vĩ tuyến 17 nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị chỉ là một đường quy ước địa lý bình thường song trở nên nổi tiếng, thu hút sự chú ý của toàn thế giới bởi nó đánh dấu thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, hoàn toàn giải phóng miền Bắc, gắn liền với điểm xuất phát của một cuộc chiến đấu gan góc, dữ dội của dân tộc ta - cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có được nền hòa bình độc lập như hôm nay.

Theo Hiệp định Geneva, vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời cho đến khi tổng tuyển cử toàn quốc, thống nhất hai miền, nhưng dã tâm của nước Mỹ quyết kéo dài chiến tranh. Và trong suốt 11 năm, cho đến khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cuộc đấu tranh của quân và dân Vĩnh Linh để bảo vệ Hiệp nghị Geneva, bảo vệ quy chế phi quân sự, bảo vệ đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã diễn ra quyết liệt với khẩu hiệu “Hòa bình thắng chiến tranh, chí nhân thắng cường bạo” luôn được đặt ở đầu cầu Hiền Lương. Tiêu biểu cho các lực lượng trực tiếp tiến hành cuộc đấu tranh ấy là các chiến sỹ công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh  - những người được mệnh danh là “chiến sỹ giới tuyến”.

Từ chuyện cái cột cờ

Đầu cầu Hiền Lương phía bờ Bắc, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mảnh đất thanh bình trở thành nơi hội tụ tình cảm sâu lắng, tha thiết của đồng bào hai miền Nam Bắc, hướng về Bác Hồ. Từ ngày có giới tuyến, chiều cao của cột cờ không ngừng tăng lên, bởi lý do là cờ của phía ta không thể thấp hơn cờ Ngụy. Ban đầu, cột cờ chỉ là một cây phi lao cao 12m. Bọn Pháp cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Đồng bào miền Nam liền yêu cầu sang bờ Bắc là treo cờ cao hơn cờ Ngụy. Chiến sỹ giới tuyến lặn lội lên miệt rừng miền Tây, kiếm được chiếc cột cờ cao 18m.

Chưa dừng ở đó, chính quyền Diệm dựng một trụ cờ cao 25m bằng xi măng cốt thép. Và cuộc đua lại tiếp tục, ngày 19-7-1957, bên ta xây xong trụ cờ bằng sắt cao 34m50, sơn màu trắng trên đỉnh có ngôi sao. Cờ ta bay cao hơn cờ Ngụy, chỉ một điều ấy cũng làm vui lòng đồng bào bờ Nam. Nhưng để thỏa mãn tình cảm, đồng bào nhắn sang yêu cầu chiến sỹ đồn Hiền Lương hàng ngày kéo cờ sớm hơn và hạ cờ muộn hơn để bà con đi làm có thể chào cờ mà không bị cảnh sát ngụy phát hiện. Chỉ ít lâu sau, bọn Ngụy nâng đỉnh trụ cờ của chúng lên 35m.

Và cũng như những lần trước, lần này Chính phủ điều hẳn một đơn vị xây dựng và cho chở vật liệu từ Hà Nội vào xây hẳn một trụ cờ mới cao 38m60. Lá cờ rộng 108m2 bay phấp phới trên cao, đồng bào miền Nam dù ở xa vẫn thấy búp lửa đỏ rực cháy sáng bầu trời giới tuyến. Những ngày lễ lớn, ban đêm lấp lánh ánh điện trên ngôi sao đỉnh cột và những hàng dây chằng tạo nên một chùm sáng lung linh hình tháp cao vời vợi.

Lá cờ giới tuyến mang trong từng nếp vải sức mạnh cổ vũ đồng bào miền Nam vững lòng đấu tranh để có một ngày thống nhất không giới tuyến. Việc phục vụ lá cờ của các chiến sỹ giới tuyến cũng hết sức vất vả. Lá cờ của ta đã lớn lại bay giữa một vùng mênh mông gió hút nên chỉ quật nhẹ vào dây chằng là rách. Thông thường mỗi tháng thay một lá, nhưng vá cờ thì phải dăm bảy lần. Sức nặng của lá cờ trên dưới 15 kg, với khối vải hàng trăm mét xếp lại rất cồng kềnh. Mỗi sáng kéo cờ phải huy động cả tiểu đội, nhất là khi chưa lên tới đỉnh đã bị cuộn vào dây chằng, đòi hỏi người trèo lên sửa phải rất khéo tay và dũng cảm vì khá nhiều lần gió bung đuôi cờ, suýt quật ngã người đang lên gỡ. Sau lần nâng cao cột cờ này của ta, đầu cầu phía Nam không nâng thêm nữa.

... Đến chuyện sơn cầu

Đón những người chiến thắng trở về tại sông Thanh Hải
Đón những người chiến thắng trở về tại sông Thanh Hải

Trụ cờ thấp thì có thể nâng cao nhưng chuyện sơn cầu ta đành phải chấp nhận sự ngoan cố một cách lỳ lợm của địch. Năm 1962, cầu Hiền Lương có từ thời Pháp đã quá cũ, đóng màu đen rỉ sét, loang lổ, ta gợi ý trên đài phát thanh cả hai bên cùng sơn lại một màu. Phía Ngụy quyền thông qua cảnh sát trả lời không đồng ý. Chiến sỹ ta bảo bọn cảnh sát: “Đất nước Việt Nam là một, lẽ nào sơn cầu hai màu?”. Có tên đồng tình nhưng cũng có tên trắng trợn nói: “Quốc gia không thể sống chung với cộng sản nên cầu này cũng không thể sơn cùng một màu”. Thoạt đầu, ta cạo rỉ nửa cầu phía Bắc và sơn màu đỏ.

 Phía ngụy quyền Sài Gòn lập tức đem thợ đến sơn nửa cầu kia màu xanh. Ta tiếp tục sơn lớp thứ hai màu xanh đồng màu với nửa cầu bên kia. Hai tháng sau, đối phương sơn lại màu vàng nửa chiếc cầu về phía chúng. Từ đó, cầu Hiền Lương có bảy nhịp mà phải mang trên mình hai màu sơn. Ta không đổi màu sơn nhưng hễ có đoàn khách quốc tế hoặc trong nước đến tham quan cầu Hiền Lương các chiến sỹ giới tuyến lại có dịp vạch trần âm mưu chia cắt đất nước của Mỹ - Diệm qua việc sơn cầu.

Và những cuộc đấu trí

Chính quyền Sài Gòn thường nghĩ rằng sở dĩ trong đấu tranh chính trị, sỹ quan và binh lính cảnh sát chịu thua kém lý lẽ vì trình độ văn hóa bọn này thấp hơn phía chiến sỹ công an. Vì vậy, có thời kỳ chúng chọn cảnh sát giới tuyến trong số học sinh, sinh viên đi quân dịch. Bọn này biết đàn hát chơi bóng bàn, thạo ngoại ngữ, tỏ ra “dám chơi” với “công an Bắc Việt”. Chúng cố chứng minh trình độ hơn hẳn cả trong những trò chơi giải trí, trong hoạt động thể thao.

Cuối năm 1962, đầu năm 1963, các chiến sỹ giới tuyến khá vất vả với những trò vặt chơi trội của bọn chúng. Những cây vợt bóng bàn khá của công an giới tuyến bị hạ một cách dễ dàng, trong khi bọn cảnh sát cũ trước đó còn phải nhờ chiến sỹ ta dạy cho cách đánh. Cùng trong một tuần lễ, ở Cửa Tùng, nhân dân địa phương ghi nhận lần đầu tiên sau tám năm có đồn liên hợp đội bóng chuyền công an giới tuyến thua đội bóng cảnh sát, mà thua với tỷ số rất đậm: 3-0.

Chuyện thua, được trong thi đấu thể thao là chuyện thường, nhưng ở giới tuyến không đơn giản như vậy, nó không hề mang tính chất giải trí mà nhằm mục đích chính trị là nhằm hạ uy tín chiến sỹ ta trước đông đảo quần chúng. Và một lời giao nhiệm vụ của đồng chí Chính ủy Công an vũ trang Vĩnh Linh “Vì danh dự của người chiến sỹ giới tuyến, vì danh dự của lực lượng công an nhân dân vũ trang, các đồng chí chỉ được thắng, tuyệt đối không được thua!” đã khiến các chiến sỹ giới tuyến quyết tâm tập luyện quên trưa, quên tối. Đến phiên đổi bờ tuần sau, bọn cảnh sát lại thách đấu và đương nhiên chúng thua 0-3 với tỷ số từng trận đậm tuyệt đối.

Chưa dừng lại ở những trận đấu bóng, Quang - đồn trưởng cảnh sát ngụy còn cậy mình có bằng tú tài, biết 2, 3 ngoại ngữ, ra mặt coi thường thiếu úy đồn trưởng công an giới tuyến Lê Thế Tri. Nhân Tết Nguyên đán, theo lệ thường đồn công an Hiền Lương mời đại biểu chỉ huy và binh sỹ cảnh sát đồn Xuân Hòa sang dự liên hoan chiều 30 Tết. Quang dẫn hai tên lính thân cận sang. Tiệc bày khá sang, nhưng khi đồn trưởng Tri mới rót chén trà mời khách, Quang xua tay đứng dậy nói ngay:

- Thưa ông đồn trưởng, người xưa có câu: “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà” (nửa đêm uống ba chén rượu, ban mai dùng một chén trà), sao ông lại đãi trà lúc này?

Thâm ý của Quang là dùng chữ Hán nói lý với Tri để dồn Tri vào thế bí. Không ngờ Tri cũng biết ít nhiều chữ Hán, nhanh trí đáp ngay:

- Thưa ông đồn trưởng, người xưa còn nói: “Khát thời nhất trích như cam lộ” (khi khát được một chén nước, khác nào được uống thuốc như cam lộ).

Tên Quang sững người không chỉ vì lời đối đáp của Tri mà còn vì ý ngầm Tri muốn dằn mặt hắn.

Những câu chuyện ghi lại vắn tắt trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong suốt những năm tháng đấu tranh ở giới tuyến. Chúng tôi, những phóng viên trẻ hôm nay có thể chỉ biết đến qua sách vở nhưng hơn hết chúng tôi hiểu và tôn trọng quá khứ, tôn trọng những gì mà cha anh đã làm được. Những cái tên như Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng với hôm nay sẽ chỉ là những tên xã, tên làng và có thể là điểm du lịch, nhưng quay ngược về ngày xưa ấy, đó là cả một quá khứ hào hùng đáng để cho chúng ta không thể lãng quên.

Yên Hưng

(Ghi theo lời kể của Đại tá, nhà văn Lương Sỹ Cầm, nguyên chiến sỹ công an giới tuyến)