Đầu tháng 8, sẽ nối lại một số tuyến bay thương mại quốc tế thường lệ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ nối lại một số đường bay quốc tế thường lệ từ tháng 8 tới đây, với tần suất 1 chuyến/tuần.

Ngày 14/7, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước.

Không mở lại ồ ạt

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh  Tuấn cho biết, qua theo dõi thông tin, hiện nay, phần lớn các quốc gia/vùng lãnh thổ đang duy trì việc kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng hàng không theo các nguyên tắc chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình; người nước ngoài có thẻ cư trú, một số đối tượng đặc biệt (thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...) được phép nhập cảnh khi được nhà chức trách phê duyệt.

Tại Việt Nam, hiện toàn bộ các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam đều đã được đưa vào khai thác bình thường, trong đó, 2 cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có các hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ và không thường lệ (chỉ vận chuyến khách từ Việt Nam đi, vận chuyển hàng hóa là 2 chiều).

Việt Nam lên kế hoạch nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường mại từ tháng 8 tới đây

Các Cảng HKQT khác như Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và Cần Thơ vẫn sẵn sàng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế không thường lệ chở công dân và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Các chuyến bay có chở khách vào Việt Nam được thực hiện theo kế hoạch của Ngoại giao (đối tượng là công dân hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...) và đều thực hiện cách ly theo quy định.

Riêng đối với thị trường hàng không Trung Quốc, Bộ GTVT thông tin, hiện hoạt động vận chuyển hành khách đường hàng không giữa hai nước đang tạm dừng (khác với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác là vẫn được chở khách từ Việt Nam đi nước ngoài).

Tại báo cáo này, Bộ GTVT cũng nêu một số khó khăn khi khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đưa khách vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, các hãng hàng không Việt Nam không đảm bảo nguồn nhân lực là phi công, tiếp viên để khai thác đồng thời mạng đường bay quốc tế, nội địa thường lệ.

Bởi, theo quy định hiện tại, tổ bay sau khi phục vụ chuyến bay quốc tế phải đảm bảo cách ly tối thiểu 14 ngày mới được phép phục vụ chuyến bay nội địa.

Vì vậy, sẽ là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực chuyên ngành này khi khôi phục hoạt động quốc tế thường lệ mới ở mức hạn chế.

Trong khi đó, năng lực khai thác tại 2 Cảng HKQT cửa ngõ là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang bị hạn chế do việc sửa chữa, nâng cấp đường băng phải đóng cửa 1  đường băng.

Năng lực khai thác tại mỗi Cảng Hàng không chỉ còn từ 60 đến 70% so với khi khai thác đồng thời 2 đường hạ cất cánh. Trong giai đoạn thi công dự án, cả 2 cảng hàng không phải duy trì năng lực khai thác đảm bảo hoạt động của các chuyến bay nội địa và số lượng hạn chế các hoạt động quốc tế.

Bộ GTVT cho rằng, nếu tăng đột biến các chuyến bay quốc tế chở khách trong giai đoạn này sẽ tạo sự quá tải tại cả 2 Cảng HKQT cửa ngõ của Việt Nam, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ (chậm, hủy chuyến của các chuyến bay nội địa).

Hơn nữa, hiện chưa có bộ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về quy trình kiểm dịch y tế đối với khách từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ hướng dẫn này là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không trao đổi với nhau, bên cạnh các trao đổi về khai thác hàng không.

Việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.

Mỗi tuần tiếp nhận 2.500-3.000 khách quốc tế vào Việt Nam

Việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm-pênh (Campuchia) cần được sự cấp phép và phối hợp của nhà chức trách hàng không của các nước đối tác. Hiện nay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đối với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay.

“Theo đánh giá, phần lớn các nước sẽ có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam. Riêng đối với Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi thư đến Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này. Tuy nhiên, để có thể mở được đường bay tới Quảng Châu (Trung Quốc), Bộ GTVT thấy rằng cần tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh ngoại giao”- báo cáo của Bộ GTVT nêu.

Căn cứ vào những yếu tố trên, Bộ GTVT đề xuất phương án tổ chức chuyến bay thương mại quốc tế, về tần suất Bộ GTVT cho rằng, chỉ nên thực hiện 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.

Dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000 – 1.500 hành khách).

Về thời điểm thực hiện, Bộ GTVT sẽ làm việc để thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia kế hoạch vận chuyển giữa Việt Nam với các nước. Dự kiến, đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bố khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (Thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), đề xuất địa điểm tiếp nhận các chuyến bay trong giai đoạn đầu như sau:

Quảng Châu (Trung Quốc) -Đà Nẵng (Cảng HKQT Đà Nằng); Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội (Cảng HKQT Nội Bài); Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội (Cảng HKQT Nội Bài);       Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) – TP.HCM (Cảng HKQT Tân Sơn Nhất); Viêng Chăn (Lào) - Quảng Ninh (Cảng HKQT Vân Đồn); Phnôm-pênh - Campuchia (Cảng HKQT Cần Thơ).

Trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất chỉ 1 chuyến/tuần/điểm đến nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.

Để có thể thực hiện được việc nối lại các chuyến bay thường lệ thương mại quốc tế, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm-pênh (Campuchia) với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến.

Đồng thời, giao các Bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng phối hợp thực hiện.

Các địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Quảng Ninh triển khai quy trình tiếp nhận hành khách người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh các CHKQT trên địa bàn (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Vân Đồn).