Dấu ấn những chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến tháng 9-2023, Việt Nam đã đón tiếp 5 vị Tổng thống Mỹ với 6 lần tới thăm. Các chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ đến Việt Nam vào những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, đồng thời mang ý nghĩa, tác động khác nhau. Và trên hết, trong hành trình gần 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt - Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong chuyến công du Việt Nam đầu tiên năm 2000 bằng những cử chỉ thân thiện khi ông tươi cười và bắt tay với người dân. Trong ảnh, ông Clinton bắt tay với các cậu bé Việt Nam từ ban công của căn hộ liền kề ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong chuyến công du Việt Nam đầu tiên năm 2000 bằng những cử chỉ thân thiện khi ông tươi cười và bắt tay với người dân. Trong ảnh, ông Clinton bắt tay với các cậu bé Việt Nam từ ban công của căn hộ liền kề ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: AP)

Chuyến đi “mở đường” của Tổng thống Bill Clinton

Năm 2000, ông William Jefferson Clinton (hay thường gọi là Bill Clinton) đã sang thăm Việt Nam lần đầu tiên từ ngày 16 đến 19-11. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam sau thời chiến.

Trước đó, ngày 3-2-1994, Tổng thống Bill Clinton công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11-7-1995). Chuyến thăm lịch sử của ông Clinton đánh dấu 5 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ khi cuộc chiến giữa 2 quốc gia đã lùi xa 1/4 thế kỷ. Hãng tin AP đánh giá, chuyến đi này vừa giúp hai cựu thù hàn gắn những vết thương và nghi ngờ do chiến tranh để lại, vừa giúp hai bên phát triển, đẩy mạnh quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Đáng nhớ, trong tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì, phát biểu khẳng định niềm tin, niềm vui và mong muốn hợp tác với Việt Nam của Mỹ, Tổng thống Bill Clinton phát biểu: “Khi chúng ta mở rộng cánh cửa, chúng ta không chỉ tiếp nhận những tư tưởng mới. Chúng ta còn giới thiệu được với bên ngoài tài năng và tính sáng tạo cùng tiềm năng của dân tộc. Chỉ sau 1 ngày thăm đất nước các bạn, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, sẽ không gì có thể ngăn cản người dân Việt Nam giành lấy cơ hội nhận biết tiềm năng tràn đầy của mình. Nhân dân Mỹ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác”.

Quan hệ Việt - Mỹ chắc chắn sẽ không phát triển gần gũi, thân thiện như hôm nay nếu như ông Clinton không mạnh dạn bỏ lệnh cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 20 năm trước. Phát biểu dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt tại Hà Nội, ông đã nói việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một trong những thành công quan trọng nhất trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Chuyến thăm của ông Bill Clinton năm 2000 còn được đánh giá là có ý nghĩa mở ra chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ, góp phần mở đường cho các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Mỹ sau này.

Tổng thống Mỹ George W.Bush chơi đàn bầu - nhạc cụ truyền thống của Việt Nam - trong bữa tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội, khi ông Bush có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 tới 20-11-2006 (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Mỹ George W.Bush chơi đàn bầu - nhạc cụ truyền thống của Việt Nam - trong bữa tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội, khi ông Bush có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 tới 20-11-2006 (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống George W. Bush đến Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC

Tổng thống George W.Bush thăm Việt Nam từ ngày 17 đến 20-11-2006. So với chuyến thăm của ông Clinton năm 2000, chuyến đi này ít quan trọng, ý nghĩa hơn. Ông Bush đến Việt Nam năm đó cũng để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, bản thân ông George Bush khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng cho thấy ông đã rất ngạc nhiên và lấy làm thú vị về sự cởi mở, thân thiện, trẻ trung, năng động mà ông chứng kiến trong những ngày ở Việt Nam.

Có thể so với Tổng thống Clinton, ông Bush không có tác động nhiều lên quan hệ Mỹ - Việt, nhưng ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm đó.

Chuyến thăm mang ý nghĩa “xoay trục” của Tổng thống Barack Hussein Obama

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama bắt đầu từ ngày 22 đến 25-5-2016 cũng là một sự kiện lịch sử, đánh dấu 2 thập niên bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ. Tổng thống Obama được cho là đã tạo ra một “cơn sốt” ở Việt Nam khi ông tham dự lịch trình dày đặc tại Hà Nội và TP.HCM. Đây được coi là “chuyến công du vì tương lai” và theo bình luận của báo giới Mỹ, chuyến thăm lần này không chỉ giúp Washington củng cố chính sách xoay trục sang châu Á mà còn là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ về an ninh, kinh tế với một đối tác.

Bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu chụp ảnh kỷ niệm cùng Tổng thống Mỹ Obama năm 2016 khi ông tới đây ăn trong chuyến thăm Việt Nam (Ảnh: UBND phường Phạm Đình Hổ)

Bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu chụp ảnh kỷ niệm cùng Tổng thống Mỹ Obama năm 2016 khi ông tới đây ăn trong chuyến thăm Việt Nam (Ảnh: UBND phường Phạm Đình Hổ)

Tờ Washington Times số ra ngày 21-5-2016 phân tích, từng là cựu thù nhưng sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ ngày càng chia sẻ lợi ích chiến lược và có thể điều chỉnh mối quan hệ hợp tác an ninh để đảm bảo lợi ích chung. Bài báo cũng khẳng định, ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ thứ 3 liên tiếp thăm Việt Nam khi còn đương nhiệm. Mục tiêu của chuyến thăm là ông Barack Obama sẽ làm rõ vị trí trung tâm của Việt Nam trong chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn nữa, chuyến thăm Việt Nam lần này là cơ hội cuối cùng để ông Barack Obama đưa ra các ưu tiên thảo luận vốn bị trì hoãn từ lâu. Đó là sự thay đổi trọng tâm của Mỹ từ khu vực Trung Đông bất ổn sang khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những vũ đài chính trị tới đây cho các siêu cường cạnh tranh quyền lực.

Các con số thống kê từ Tổng Cục thống kê Việt Nam cho thấy, năm 1995, thương mại giữa 2 nước chỉ 200 triệu USD. Năm 2015, con số ấy lên tới 43,5 tỷ USD. Đặc biệt, từ năm 2005, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chuyến thăm này càng trở nên có ý nghĩa lớn khi trước đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ vào tháng 7-2015.

Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam 2 lần trong 3 năm

Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ từ năm 2017 đến 2021 đã 2 lần sang thăm Việt Nam. Lần đầu ông đến Đà Nẵng dự Hội nghị Cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam (tháng 11-2017). Lần thứ hai vào tháng 2-2019, ông đến Hà Nội để dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch vào ngày 27-2-2019

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch vào ngày 27-2-2019

Cần nói thêm, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa to lớn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam và thế giới. Việc cả Mỹ và Triều Tiên đều đề nghị Việt Nam đứng ra làm nước chủ nhà tổ chức hội nghị thể hiện sự coi trọng của 2 nước đối với quan hệ với Việt Nam, sự ghi nhận vị thế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng bảo đảm an ninh cho sự kiện quốc tế lớn, nhất là nhìn nhận về những thành tựu phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác. Lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ đều bày tỏ cảm ơn Việt Nam, ấn tượng về công tác tổ chức của Việt Nam. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế về sự vươn lên, sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc phát huy hơn nữa vai trò xây dựng, tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới, một tinh thần kiến tạo hòa bình. Hội nghị được tổ chức thành công đem lại vị thế mới, nâng tầm cao mới cho đất nước, góp phần thiết thực triển khai đường lối đối ngoại, các chủ trương về ngoại giao song phương và đa phương của Việt Nam.

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden

Từ ngày 10 đến 11-9-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).

Thông báo của Nhà Trắng ngày 28-8 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Hà Nội ngày 10-9 và có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam để “thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam”. Thông báo cũng cho hay, các nhà lãnh đạo sẽ “khám phá các cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ nhân dân thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu cũng như tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở các nước khu vực”.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Tổng thống Joe Biden không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Tổng thống Mỹ các đời đều đã thăm Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam theo lời mời của người lãnh đạo cao nhất là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này là chưa có tiền lệ và cũng nói lên tính chất đặc biệt của chuyến thăm. Dư luận cũng kỳ vọng qua chuyến thăm này, quan hệ 2 nước sẽ được tiếp tục làm sâu sắc hơn và nâng lên một tầm cao mới, đúng như những gì mà lãnh đạo hai bên đã trao đổi với nhau.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 năm nay, 2 nhà lãnh đạo đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ 2 nước thời gian qua, nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của 2 nước, hòa bình, hợp tác và phát triển. Tổng thống Joe Biden khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng; ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”; tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam; nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ 2 nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong quan hệ giữa 2 nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

(VOV.VN)

(VOV.VN)