Giá đào “mềm” hơn năm ngoái
Nguyên nhân đào năm nay được mùa theo các hộ tại vườn đào Nhật Tân một phần là do thời tiết năm nay nắng ấm khiến đào sớm nở hoa, lại nhuận hai tháng chín, nhưng đặc biệt là do biết áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc, nuôi dưỡng nụ hoa kéo dài nên khi hoa đào nở bông sẽ đẹp hơn. Anh Nguyễn Văn Linh, chủ một vườn đào Nhật Tân cho biết: Vào thời điểm này năm ngoái chưa có khách đặt thuê nhưng năm nay đã có vài chục gốc đào có chủ. Khách năm nay chủ yếu là các cơ quan, doanh nghiệp đặt thuê đào thế từ 5-10 triệu đồng/cây. Các khách sạn, nhà hàng thì đặt những cây lớn hơn có giá trên 15 triệu đồng.
Năm nay do Tết Nguyên đán đến muộn nên các chủ vườn đào tại đây cũng tuốt lá muộn hơn từ 10-15 ngày. Tuốt lá muộn sẽ khiến đào nở muộn hơn.
Chị Nguyễn Thu Hương, chủ một vườn đào cũng phấn khởi cho biết: Nếu thời tiết cứ như hiện nay thì đào sẽ được mùa. Chứ như năm ngoái, đào nở sớm, Noel và Tết Dương lịch đã nở bung bét hết. Tuy nhiên còn những hai tháng nữa mới đến Tết nên cũng không dám nói trước điều gì. Vì tất cả còn phụ thuộc vào thời tiết, nếu nóng quá hoặc lạnh quá cũng không tốt. Gia đình chị Hương có vườn đào trên 1000 gốc nhưng đã có 500 gốc cho thuê.
Theo chị Hương, giá một cây đào cao khoảng 1m giá khoảng 500.000 đồng. Cây tạo thế 3 tầng sẽ có giá khoảng 700.000-1 triệu đồng. Cây tạo thế 5 tầng sẽ có giá 1,5 triệu đồng. Hiện bích đào nguyên thủy có giá dao động từ 10-40 triệu đồng. Sở dĩ bích đào đắt nhất vì khó trồng nhưng thế cây đẹp, cánh hoa dày, thắm, nên thường được các công ty, cơ quan, nhà hàng, khách sạn đặt thuê từ sớm.
Bên cạnh vườn đào Nhật Tân, những năm gần đây, ở Hà Nội còn nổi lên khu vực trồng đào tại Làng hoa đào La Cả thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông. Làng hoa đào La Cả đang dần thay thế đào Nhật Tân và dần trở thành khu vực cung cấp đào lớn nhất Hà Nội. Đó là cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá đào Tết Nguyên đán Ất Mùi không có biến động lớn, thậm chí giá bán có phần mềm hơn so với năm ngoái đôi chút.
Đau đầu vườn quất
Trái với tâm trạng phấn khởi của các chủ vườn đào Nhật Tân, các chủ vườn quất ở Tứ Liên (Hà Nội) - một vùng trồng quất trứ danh tại Hà Nội lại đang hết sức lo lắng trước một lượng lớn quất đậu quả nhưng cây lại héo rũ và chết dần. Tới thời điểm này, vườn quất Tứ Liên đã cơ bản rộ sắc vàng, cho thấy quất đậu quả và chín sớm. Tuy nhiên nhiều cây quất lại úa vàng, người trồng quất đã phải nhổ bỏ, vứt chồng đống bên đường. Người trồng quất đã tìm mua đủ loại thuốc về phun chữa trị cho cây nhưng tình trạng quất chết vẫn diễn ra rất phổ biến.
Mỗi năm thông thường quất Tứ Liên xuất bán hàng triệu cây quất cảnh ra thị trường Hà Nội và các vùng lân cận. Tuy nhiên thời điểm này đến phường Tứ Liên, đâu đầu cũng nhìn thấy cảnh những xác quất đã khô, được người dân nhổ lên chất đống ven đường. Bên trong các luống cây, nhiều cây cũng đang héo rũ, vàng lá.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Dũng thì nhà anh có trên 1000 gốc quất những đã có hơn 300 cây phải nhổ bỏ và đang chết dần dù đã tích cực phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích ra rễ nhưng cây vẫn cứ héo và chết. Bên cạnh vườn nhà anh Dũng, vườn nhà anh Hải cũng thê thảm khi có một lượng lớn quất đang chết dần. Anh Hải cho biết: Năm nay chắc là chỉ hòa vốn, không thì lỗ vì đầu tư nhiều tiền giống, thuốc, chăm bón mà đến lúc thu hoạch thì lại cứ vàng úa hết cả. Quất chết thì năm nào cũng có nhưng năm nay sao lại nhiều thế. Nhà anh Hải có 700 gốc thì cũng đã có đến 50% quất bị héo, đã nhổ lên vứt đi 200 gốc, trong đó phần lớn là những cây đắt tiền có giá từ 10-20 triệu đồng. Vì vậy thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nguyên nhân được các hộ dân tại đây cho là do vào thời điểm người dân đang tiến hành đảo quất để tạo rễ cho cây thì gặp phải trận mưa lớn, mưa a xít. Nước đọng lại khiến cây bị thối rễ và sinh trưởng kém rồi từ từ chết héo. Không chỉ gia đình anh Hải mà hầu hết các hộ dân trồng quất tại đây đều gặp chung tình trạng này.
Bà Nguyễn Thị Bính, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp phường Tứ Liên cũng cho biết: toàn phường có tổng diện tích khoảng 20ha đất với gần 400 hộ trồng quất. Năm nay, quất có hiện tượng chết nhiều, lên đến 40-50%, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do mưa nhiều khiến cây bị thối rễ nhưng nguyên nhân chính chủ yếu là do nông dân trồng tự phát, không đúng kỹ thuật cộng với việc chăm bón quá đà, phun thuốc trừ sâu bừa bãi… khiến cho cây mắc bệnh và chết. Để hạn chế quất chết, bà Nguyễn Thị Bính cũng khuyến cáo người trồng quất nên chăm sóc, phun thuốc ra rễ để cây được phục hồi trở lại và từ vụ sau, bà con nên trồng đúng với kỹ thuật đã được phổ biến để hạn chế các loại bệnh phát triển trên quất. Dù biết mức thiệt hại của bà con là rất lớn, song, hiện phường không có đủ kinh phí để hỗ trợ, mà hộ nào có quất bị chết, phải tự chịu lo cứu lấy mình thôi.
Để đầu tư cho vườn quất, mỗi gia đình ở Tứ Liên phải bỏ ra ít thì hơn 100 triệu, nhiều vài trăm triệu vì có những cây giống lên tới vài triệu đồng. Trong khi đó được mùa hay mất mùa lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu như vườn đào đã có nhiều khách đặt mua, thuê thì tại vườn quất Tứ Liên vẫn chưa có nhiều khách đặt mua. Anh Hải cũng cho biết phải tầm gần một tháng nữa mới có khách, cũng chủ yếu là khách quen gọi điện đến đặt trước. Để bảo quản quất đẹp vào đúng dịp Tết, các nhà vườn ngoài chăm bón kỹ lưỡng còn sử dụng thuốc để kích thích quất nở đúng Tết hoặc hãm khi quất nở sớm. Ngay cả thời gian này, có cây quất đang trổ hoa rất đẹp nhưng cũng được nhà vườn bứt đi để cây ra hoa đợt mới đúng vào Tết. Đối với những cây quất bị bệnh, người dân vẫn đang hàng ngày chăm sóc, bón phân, phun thuốc ra rễ để chữa trị với hy vọng mong manh. Còn đối với những cây vẫn khỏe mạnh, người dân đang bắt đầu tạo thế và ngắt bớt hoa để kích thích hoa nở đợt mới vào đúng dịp Tết.
Quất chết nhiều như vậy, giá liệu có tăng? Theo những chủ vườn quất tại đây dự kiến giá quất bán ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao hơn so với những năm trước: Quất chết nhiều như vậy thì chắc chắn tất cả các nhà vườn đều phải tăng giá bán để bù vào một phần công sức đã bỏ ra và hạn chế thua lỗ. Theo đó, một cây quất tán cỡ trung bình sẽ có giá khoảng trên 200 nghìn đồng, cây quất thế trung bình sẽ từ khoảng 300.000-400.000 đồng/cây. Các cây quất lớn, giá cả sẽ còn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên các vườn quất cũng phát triển khá nhiều những cây quất nhỏ phục vụ cho nhu cầu mua của số đông, với giá cả thấp hơn - một người dân ở đây cho biết.