Đàm phán an ninh Nga-Mỹ: Mỹ sợ Nga công nhận Donetsk và Lugansk?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đàm phán an ninh Nga-Mỹ không đạt hiệu quả khiến Washington lo ngại những phản ứng ‘tiêu cực’ mà Moscow đưa ra, ví dụ như công nhận sự hợp pháp hay triển khai quân trên 2 vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk.

Vào cuối năm 2021, Nga đã công bố dự thảo hiệp ước với Mỹ và thỏa thuận với NATO về đảm bảo an ninh. Đặc biệt, Moscow yêu cầu các đối tác phương Tây đưa ra bảo đảm có tính chất pháp lý về việc không mở rộng NATO về phía Đông, từ chối Ukraine gia nhập khối và không thiết lập các căn cứ quân sự ở các nước trong không gian Xô viết.

Các đề xuất cũng bao gồm điều khoản về việc không triển khai vũ khí tấn công của NATO gần biên giới của Nga và rút các lực lượng liên minh ở Đông Âu về vị trí của năm 1997.

Cuộc họp đầu tiên giữa Nga và Mỹ bàn về các đề xuất ​​của Moscow đã được tổ chức vào ngày 10 tháng 1 ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Tiếp sau đó là cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels (ngày 12/1) và các cuộc tham vấn tại trụ sở Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ở Vienna (ngày 13/1).

Sau đó, vào ngày 21/1/2022, tại Geneva đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Cuộc gặp chỉ đạt được kết quả là Washington cam kết sẽ trả lời bằng văn bản về các đề xuất an ninh của Moscow.

Đàm phán an ninh Nga-Mỹ có liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng chia cắt ở đất nước Ukraine
Đàm phán an ninh Nga-Mỹ có liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng chia cắt ở đất nước Ukraine

Vào hôm 26/1, Mỹ và NATO đã chuyển cho Nga phản ứng đối với các đề xuất đảm bảo an ninh của nước này.

Theo tiết lộ của giới truyền thông, hầu hết những vấn đề mang tính nguyên tắc mà Nga đề ra (ví dụ như không mở rộng sang phía đông, không kết nạp Ukraine, sự hiện diện quân sự ở Đông Au…) đều bị Mỹ và NATO phủ quyết, Washington chỉ “có ý định” đàm phán tiếp về vấn đề trở lại INF (“Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung”) hay giới hạn quy mô và phạm vi các cuộc tập trận quân sự ở quanh biên giới nước Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố, chính quyền Mỹ không có ý định nhượng bộ Nga về các vấn đề an ninh và Washington cho rằng, tiến bộ trong các cuộc đàm phán đó chỉ có thể đạt được trên cơ sở “có đi có lại”.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga Maxim Suchkov cho rằng, Mỹ đang cố ý kéo dài thời gian trong các cuộc hội đàm, để nắm bắt thông tin về ý định cụ thể của Nga, khi Điện Kremlin không ít lần nói về việc đáp trả bằng “các biện pháp quân sự-kỹ thuật” nếu thương lượng thất bại.

Theo ông Suchkov, các cuộc hội đàm vẫn tiếp diễn ở mọi cấp đã cho thấy rằng, bất chấp tất cả những ồn ào trên báo chí, quá trình vẫn tiến triển tích cực trên tất cả mọi cấp độ, từ Thứ trưởng đến Bộ trưởng Ngoại giao, không loại trừ khả năng sẽ có thêm một cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden.

Ông nhấn mạnh rằng, nếu không muốn đàm phán, Washington sẽ không quan tâm đến việc đưa cuộc đàm phán lên một cấp độ cao hơn. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, sự mơ hồ chiến lược khiến Washington lúng túng và họ đang cố gắng tìm hiểu điều gì ẩn sau những tuyên bố của Moscow.

Theo ông, Mỹ đang cố gắng tìm hiểu Nga có thể đáp trả bằng cách nào và với cấp độ như thế nào, ví dụ như Moscow có dám công nhận hai cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, hay triển khai thiết bị quân sự và vũ khí trên lãnh thổ hai nước cộng hòa ly khai này.