“Đại gia” vận động hành lang giấu mình của nước Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã từng cảnh báo rằng, vận động hành lang là “vụ bê bối lớn tiếp theo” của vương quốc Anh. Nhưng ông lại không tưởng tượng rằng mình sẽ là trung tâm của vụ bê bối đó.
Chính phủ Anh bắt đầu mở cuộc điều tra về hoạt động vận động hành lang của cựu Thủ tướng David Cameron và “sân sau” Greensill

Chính phủ Anh bắt đầu mở cuộc điều tra về hoạt động vận động hành lang của cựu Thủ tướng David Cameron và “sân sau” Greensill

Chính phủ Anh tuần vừa rồi đã mở một cuộc điều tra độc lập về những nỗ lực của ông David Cameron nhằm gây ảnh hưởng đến các bộ trưởng Anh mà đằng sau ông là một công ty tài chính hiện đã sụp đổ có tên là Greensill. Sự việc làm lộ ra những lỗ hổng hệ thống được coi là minh bạch của chính phủ mà chính cựu Thủ tướng Anh đã giúp thiết lập.

Bê bối Greensill có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là người sáng lập Công ty Lex Greensill đã tiếp cận khi ông Cameron còn nắm quyền trong chính phủ, mục đích tư vấn về tài chính chuỗi cung ứng. Giai đoạn sau là những nỗ lực gây chú ý của ông Cameron để vận động hành lang cho Greensill khi ông rời văn phòng Thủ tướng. Và vào năm 2018, ông trở thành cố vấn được trả lương của công ty này.

Gần đây, ông Cameron đã “thúc đẩy” các quan chức xem xét đề xuất để Greensill tham gia một phần kế hoạch cho vay kinh doanh trong đại dịch Covid-19. Đề xuất này đã bị Bộ Tài chính từ chối. Ông Cameron đã phá vỡ sự im lặng trong nhiều tuần khi tối 11-4 thừa nhận rằng, ông đã học được “những bài học quan trọng” từ vụ bê bối, trong đó có việc thuyết phục các quan chức “chỉ thông qua những kênh chính thống” để đảm bảo “không có chỗ cho sự hiểu sai”. Tuy nhiên, ông Cameron cũng khẳng định “không vi phạm quy tắc ứng xử”.

Rõ ràng điều này cho thấy, vấn đề nằm ở cải cách tính minh bạch trong vận động hành lang ở Anh. Ông David Cameron đã rời nhiệm sở vào năm 2016 sau khi vận động chống Brexit không thành công. Theo quy định do Ủy ban Cố vấn về bổ nhiệm kinh doanh (ACOBA) đặt ra, các cựu bộ trưởng và quan chức cấp cao chỉ được nhận công việc mới sau 2 năm rời chính phủ. Thực tế, công việc của ông Cameron ở Greensill bắt đầu vào năm 2018, có nghĩa là nhà cựu lãnh đạo này có thể tự do theo đuổi bất kỳ cơ hội nào mà không chịu sự giám sát của ACOBA.

Cựu Thủ tướng Gordon Brown (người tiền nhiệm của ông Cameron) hôm 12-4 đã kêu gọi lệnh cấm các cựu Thủ tướng vận động hành lang trong 5 năm. Tuy nhiên, bà Hannah White - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu về Chính phủ cho biết, những thiếu sót của ACOBA đã rõ ràng, nhưng việc xử phạt những người không còn thuộc biên chế chính phủ khó có thể thực hiện trên thực tế, và những quy định quá nghiêm ngặt có thể ngăn cản mọi người bước vào chính trường.

Sổ đăng ký vận động hành lang theo luật định của Anh (do chính phủ của ông David Cameron thiết lập vào năm 2014) cũng không cung cấp hồ sơ về hoạt động vận động hành lang của cựu Thủ tướng. Trong khi, các nhà vận động hành lang khác như các hiệp hội thương mại, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn… phải tiết lộ hoạt động của họ với cơ quan quản lý hoặc đối mặt với viễn cảnh bị phạt tiền. Đó là một lỗ hổng trong sổ đăng ký mà từ lâu đã dẫn đến cảnh báo từ các bộ phận của chính ngành vận động hành lang. Sẽ khó tìm ra bằng chứng về nỗ lực vận động hành lang của ông Cameron thông qua dữ liệu mở của Anh.

Ông Cameron dường như không xuất hiện trên nhật ký minh bạch của chính phủ liên quan đến công việc ở Greensill. Bởi vậy, sự việc lần này là cơ hội lớn để nước Anh xem xét thay đổi quy định trong vận động hành lang, thực hiện “cuộc cách mạng” về minh bạch như nhiều người đã chỉ ra.