Đặc sản vải thiều sắp “lên đường” đi Mỹ, Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các vùng trồng vải thiều, loại trái cây đặc sản của Việt Nam chuẩn bị bước vào thời điểm thu hoạch, sẵn sàng xuất khẩu đi các nước.
Vải thiều Việt Nam ngày càng được thị trường nước ngoài ưa chuộng

Vải thiều Việt Nam ngày càng được thị trường nước ngoài ưa chuộng

Ông Nguyễn Văn Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 29,7 nghìn ha trồng vải thiều. Sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó, diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha với sản lượng ước đạt 115.000 tấn; đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 215 ha với sản lượng khoảng 2.500 tấn.

Để chủ động trong việc tiêu thụ vải thiều, tránh trình trạng “được mùa, mất giá”, tỉnh Bắc Giang đã cùng các Cục, Vụ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Công Thương nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch xuất khẩu.

Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thuộc 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã sang khảo sát, ký kết các hiệp ước kinh tế thương mại trong đó cam kết hỗ trợ Bắc Giang xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ, Nhật Bản… đều khá thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều của Việt Nam.

Với thị trường trong nước, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã làm việc với các tập đoàn bán lẻ, ban quản lý các chợ đầu mối… ký kết 35 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ vải thiều với sản lượng trên 100.000 tấn.

Ông Nguyễn Thế Thi- Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cũng cho hay, diện tích vải thiều của huyện năm nay tăng hàng trăm ha so với năm ngoái. Lục Ngạn có diện tích cây ăn quả lớn, tập trung với trên 28.000 ha, riêng vải thiều 17.350 ha, tăng 1.607 ha so với năm 2022.

Toàn huyện hiện có 88 mã số vùng trồng trong đó 35 mã số vùng trồng của Trung Quốc, 32 mã của Mỹ, 25 mã của Nhật Bản, 4 mã của Australia, 2 mã của Thái Lan.

“Để đảm bảo chất lượng, các trưởng mã phải cam kết nếu mã số vùng trồng không đảm bảo yêu cầu nước bạn thì phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiểm tra nếu thấy vi phạm sẽ thu hồi mã. Các hộ trồng cũng kiểm tra chéo lẫn nhau để hiệu quả cao hơn”- ông Nguyễn Thế Thi nói.

Theo ông Vi Thanh Bình- trưởng mã sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản, thôn Xuất Lễ, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), vải thiều xuất khẩu ngoài việc trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn thì khi thu hoạch, đều được thu hái ban đêm để đảm bảo 6-7 giờ sáng đóng hàng, xuất đi trong ngày đảm bảo tươi ngon, đáp ứng tiêu chuẩn cả những thị trường khó tính nhất.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà có 3.265 ha vải thiều; trong đó 1.700 ha vải sớm. Toàn huyện có khoảng 500 ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400 ha VietGAP và 50 ha GlobalGAP còn hiệu lực. Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200 ha.

Hiện nay, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm.

Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ vải thiều của địa phương này hiện còn một số khó khăn, cần giải quyết.