Cựu Tổng thống Burkina Faso được quản thúc tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Roch Marc Christian Kabore - cựu Tổng thống Burkina Faso, vừa được phép trở về nhà sau thời gian bị quản thúc nghiêm ngặt từ cuộc đảo chính tháng 1-2022. Tình trạng mất an ninh đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo to lớn ở quốc gia vốn đã nghèo nhất thế giới.
Cựu Tổng thống Burkina Faso, ông Roch Marc Christian Kabore trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020

Cựu Tổng thống Burkina Faso, ông Roch Marc Christian Kabore trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020

Phát ngôn viên quân đội Wendkouni Joel Lionel Bilgo cho biết, sau 3 tuần lấy ý kiến, chính quyền quyết định cho phép ông Kabore trở về nơi ở của mình ở Thủ đô Ouagadougou từ ngày 7-4 và sẽ được lực lượng an ninh của chính phủ bảo vệ. Nhà lãnh đạo này được phép gặp gia đình, bạn bè thân thiết và sử dụng điện thoại, nhưng không được phép tự do di chuyển ra ngoài.

Tháng trước, chính quyền quân sự tuyên bố họ dự định nắm quyền 3 năm trước khi tổ chức bầu cử và đưa Burkina Faso trở lại chế độ dân chủ. Theo đó, việc quân đội nắm quyền lực thời kỳ này là cần thiết để đất nước tránh khỏi bạo lực của những nhóm Hồi giáo cực đoan. Khối Liên minh Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 quốc gia đã bày tỏ quan ngại về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm này và đề nghị các nhà cầm quyền tổ chức bầu cử sớm hơn, nếu không khối sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính với nước này.

Các nhà phân tích cho rằng, việc quyết định cho ông Kabore về nhà và để ông có thêm một chút tự do là dấu hiệu cho thấy chính quyền quân sự đang cố gắng giảm bớt lo lắng về quyền kiểm soát đất nước. Laith Alkhouri - Giám đốc điều hành của Intelonyx Intelligence Advisory (tổ chức chuyên phân tích thông tin tình báo) cho biết: “Họ đang thể hiện một cách tiếp cận khoan dung hơn để ngăn chặn khả năng bị dân chúng phản đối. Điều đó cũng có thể cho thấy các cuộc đàm phán cửa sau đang diễn ra để thu hút các nhóm ủng hộ ông Kabore”.

Cuộc đảo chính ở Burkina Faso hồi đầu năm diễn ra sau khi quân đội và người dân phản đối về việc chính phủ không thể kiềm chế các cuộc tấn công khủng bố. Trong nhiều tháng, Tổng thống đã phải chịu áp lực khi những người biểu tình yêu cầu ông từ chức vì tình trạng mất an ninh và bạo lực leo thang nhanh chóng. Ban đầu, quốc gia Tây Phi này không để xảy ra xung đột và bạo lực bùng phát (giống như các nước vùng cận Sahara khác như Mauritania, Niger và Chad) sau sự tan rã của nhà nước Libya vào năm 2011 và cuộc nội chiến năm 2012 của Mali. Nhưng năm 2016, các tay súng tấn công một khách sạn và nhà hàng ở Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso, giết chết ít nhất 30 người. Đây là vụ tấn công khủng bố quy mô lớn đầu tiên, diễn ra khoảng 2 tuần sau khi ông Kabore nhậm chức Tổng thống.

Sau đó, nhiều cuộc tấn công liên tiếp xảy ra. Gây ra làn sóng bạo lực này là các nhóm Hồi giáo cực đoan, chủ yếu nhắm vào quân đội ở cực Bắc Burkina Faso (trong khu vực biên giới giáp với Mali và Niger). Theo báo cáo của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), kể từ năm 2019, số lượng các cuộc tấn công đã tăng mạnh, bạo lực cũng lan rộng đến “các khu vực trước đây chưa bị ảnh hưởng”. Các nhóm vũ trang Hồi giáo hiện cũng đang ngày càng nhắm vào dân thường. Một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất vào dân thường xảy ra hồi tháng 6-2021 khi ít nhất 132 người bị thảm sát ở làng Solhan, phía Đông Bắc nước này.

Sau khi bị chỉ trích gay gắt về khả năng lãnh đạo của mình sau vụ thảm sát Solhan, Tổng thống Kabore đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh. Tiếp theo là vụ sa thải Thủ tướng vào tháng 12-2021 - một động thái dẫn đến việc thay thế toàn bộ nội các. Trong khi đó, quân đội Burkina Faso được coi là không có trang bị đầy đủ và huấn luyện kém để chống bạo lực leo thang. Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng 11-2021, Tổng thống Kabore đã cam kết chấm dứt tình trạng “rối loạn chức năng” trong quân đội, nhưng kết quả là ông đã bị quân đội tước quyền lãnh đạo.

Viết trên Tạp chí Chính sách đối ngoại vào tháng 12-2021, tác giả Nosmot Gbadamosi cho rằng: “Bạo lực là dấu hiệu của những vấn đề sâu xa hơn chưa được giải quyết. Đó là tình trạng kém hiệu quả trong quản trị, thiếu cơ hội việc làm và biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Sự tức giận của giới trẻ về những vấn đề đó tạo ra một kích thích mạnh mẽ cho các nhóm thánh chiến tìm cách chiêu mộ người dân địa phương”.