Cựu Thủ tướng Đức rời Tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 20-5, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã tuyên bố sẽ rời khỏi Ban Giám đốc của Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Rosneft (Nga) sau khi chịu phản ứng dữ dội về vai trò của ông với lĩnh vực năng lượng Nga.
Ông Gerhard Schroeder đã có hơn 10 năm gắn bó với ngành năng lượng Nga

Ông Gerhard Schroeder đã có hơn 10 năm gắn bó với ngành năng lượng Nga

Ông Gerhard Schroeder (78 tuổi) là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Rosneft. Ngày 20-5 tập đoàn này cho biết, ông Schroeder đã tuyên bố không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò, thông báo được đưa ra 1 ngày sau khi các nhà lập pháp Đức đồng ý tước bỏ văn phòng và nhân viên của ông Schroeder tại Đức.

Làm Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005, ông Schröder là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là thành viên của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz. Những tháng gần đây, ông Schroeder ngày càng bị cô lập do làm việc cho các công ty năng lượng Nga. Ngoài công việc tại Rosneft, ông còn tham gia vào các dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Vài tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Công ty khí đốt Nhà nước Nga (Gazprom) cho biết, ông Schroeder đã được đề cử tham gia hội đồng quản trị. Việc bổ nhiệm dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại cuộc họp chung thường niên của Gazprom vào tháng tới.

Quyết định từ chức của ông Schroeder tại Rosneft được đưa ra 1 ngày sau khi Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết không ràng buộc, thúc giục Liên minh châu Âu mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với “các thành viên châu Âu trong hội đồng quản trị của các công ty lớn của Nga và các chính trị gia tiếp tục nhận tiền của Nga”. Các nhà lập pháp Đức cũng thông qua một động thái đóng cửa văn phòng cùng nhân viên dưới quyền của ông Schroeder với tư cách là cựu Thủ tướng.

Đầu năm nay, một số nhân viên văn phòng của cựu Thủ tướng Đức đã nghỉ việc và ông Schroeder phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ mới từ các đồng minh chính trị cũ. Đồng lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội còn thúc giục ông Schroeder rời đảng. Hôm 19-5, Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz nói rằng, quyết định của Quốc hội Đức về việc ngừng tài trợ cho văn phòng của ông Schroder là hợp lý, nhưng các biện pháp trừng phạt chống lại người tiền nhiệm là không cần thiết. Ông Schroeder - với tư cách là cựu Thủ tướng Đức - hiện vẫn được hưởng chế độ bảo vệ và mức lương hưu mà theo báo chí Đức là lên tới hơn 100.000USD/năm. Được biết, mức lương của ông ở Rosneft vào khoảng 600.000USD/năm.

Ông Markus Ferber - một trong những nhà lập pháp đã soạn thảo nghị quyết của Nghị viện châu Âu - nói với Reuters rằng, việc nắm giữ một vị trí cấp cao tại một công ty lớn do Nhà nước Nga kiểm soát có nghĩa là ông Schroder đang “hợp tác chặt chẽ với Nga”. Theo ông Ferber, sự can thiệp này cũng nhằm ngăn cản nhà cựu lãnh đạo Đức đảm nhận vị trí hội đồng quản trị tại Gazprom.

Đó chỉ là thông báo mới nhất trong mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ của vị cựu Thủ tướng Đức với ngành năng lượng Nga. Mối quan hệ đó bắt đầu khi ông Schroder sử dụng những ngày tại vị cuối cùng của mình vào năm 2005 để củng cố mối quan hệ về khí đốt giữa Berlin với Moscow. Sau đó, đối mặt với cuộc bầu cử mà có vẻ chắc chắn sẽ thua, ông đã bỏ dở chiến dịch tranh cử để theo đuổi dự án xây dựng Nord Stream 1 (đường ống dẫn khí Baltic đầu tiên giữa Đức và Nga). 3 tuần sau khi rời nhiệm sở, ông trở thành người đứng đầu Hội đồng cổ đông của Nord Stream. Nhà cựu lãnh đạo này cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thỏa thuận Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 11 tỷ USD kết nối trực tiếp các mỏ của Nga với Đức. Dự án này gây tranh cãi ở phương Tây vì nó làm tăng sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga, cho đến khi Thủ tướng đương nhiệm Scholz tạm dừng dự án ở thời điểm 2 ngày trước khi xung đột ở Ukraine bùng nổ.