Cựu lãnh đạo VFF: "Đối thoại bóng đá cần nhiều ý kiến phản biện"

ANTD.VN - Sau hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030", ông Trần Duy Ly - nguyên Phó Chủ tịch thường trực LĐBĐ Việt Nam (VFF), nguyên Trưởng BTC giải V-League đã có những chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết.

PV: Là đại biểu được mời tham dự, ông đánh giá sao về các nội dung tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" diễn ra ngày 19-12 vừa qua?

Ông Trần Duy Ly: Tôi có phần tiếc. Bởi thứ nhất, các tham luận đăng ký trình bày và được trình bày khá tản mạn, đa số chỉ là tham luận "thuận chiều", chưa có nhiều phản biện.

Thứ hai, đây là chiến lược khá toàn diện, mang tầm quốc gia chứ không riêng của ngành thể thao hay của riêng LĐBĐ Việt Nam. Ví dụ như đào tạo trẻ liên quan tới các địa phương, phát triển bóng đá học đường liên quan Bộ Giáo dục và đào tạo, hay triển khai cần kinh phí thì lại liên quan tới Bộ Tài chính.

Ông Trần Duy Ly - nguyên Phó Chủ tịch VFF, nguyên trưởng BTC giải V-League

Trong quyết định phê duyệt Chiến lược giao Bộ VH-TT&DL là đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai. Nhưng cuộc họp sơ kết 4 năm thực hiện lại không có bất cứ đại diện nào của những đơn vị liên quan tham dự, để cùng phân tích, lắng nghe, khắc phục, định hướng giai đoạn còn lại của đề án. Vai trò chủ trì của Bộ VH-TT&DL trong tổ chức thực hiện chiến lược còn khá mờ nhạt.

+ Vì sao lại nói vai trò của Bộ VH-TT&DL còn mờ nhạt, ông có thể phân tích thêm?

- Chiến lược đề ra 12 đề án, chia làm hai giai đoạn 2012-2016 và 2016-2020. Đó đều là các đề án lớn, khi ra đề án phải lập ban triển khai đề án, soạn thảo cụ thể xem sẽ làm những gì, làm như thế nào, tiến độ ra sao, ai thực hiện, trách nhiệm người thực hiện thế nào...

Hay trong quá trình thực hiện các đề án, có gì vướng mắc liên quan tới các bộ, ngành, địa phương liên quan hay không, nếu có thì tháo gỡ ra sao. Nhưng 4 năm qua đơn vị chủ trì chưa làm được điều này. Nhiều chỉ tiêu đề ra đến năm 2020 chưa đạt và khó đạt.

Đại biểu tâm đắc với phát biểu sâu sắc, rất trúng vấn đề của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam 

+ Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra nhiều vấn đề "nóng" để chất vấn giới quản lý bóng đá nước nhà. Là người nhiều năm "ăn ngủ" với bóng đá, từng đảm nhiệm vị trí trong ban lãnh đạo VFF, ban tổ chức giải V-League, ông nghĩ sao về những phát biểu của Phó Thủ tướng?

- Phó Thủ tướng phát biểu rất sắc sảo và đi đúng trọng tâm những vấn đề tồn tại của nền bóng đá. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Phó Thủ tướng khi nói về sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn trong VFF. Đây cũng là trăn trở mà tôi đăng ký tham luận tại hội nghị nhưng không được trình bày do thời gian có hạn.

Công tác chuyên môn của VFF, ngoài 5 ủy viên Thường trực còn có Giám đốc kỹ thuật, Hội đồng HLV quốc gia, Phòng các ĐTQG. Việc phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn này thế nào, tôi cho là gần như không có. Ở các nền bóng đá, Giám đốc kỹ thuật có vai trò quan trọng và rất có tiếng nói, song ở Việt Nam, mặc dù chúng ta thuê chuyên gia người Đức đó nhưng ông này lại khá "trầm", như SEA Games vừa qua là ví dụ.

+ Vậy còn vai trò của Hội đồng HLV quốc gia thì sao. HLV Lê Thụy Hải từng nói hội đồng chỉ như "bù nhìn", thưa ông?

- Anh Hải nói vậy hơi quá. Nhưng đúng là vai trò Hội đồng HLV quốc gia còn mờ nhạt. Tôi đã từng nói thẳng với anh Hiển (Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển - pv) là các anh phải mạnh dạn lên tiếng, đề xuất các vấn đề. Có người chê Hội đồng HLV Quốc gia là không có trình độ, nhưng phải đâu, Hội đồng đó có HLV Lê Huỳnh Đức, Mai Đức Chung, một số HLV và cựu danh thủ. Họ là những người có trình độ và hiện nhất nhì ở Việt Nam. Vấn đề là làm sao tạo cơ chế, động lực để người ta đóng góp ý kiến tâm huyết, cùng giúp đội tuyển, giúp bóng đá Việt Nam phát triển.

Một điều tôi trăn trở nữa là trong Chiến lược có đề ra phải xác định lối đá nào phù hợp với thể trạng, tố chất cầu thủ Việt nhưng dường như chúng ta chưa thống nhất được, vì chưa thống nhất nên đội tuyển dưới thời mỗi HLV khác nhau lại có lối đá không giống nhau. VFF mời HLV ngoại, mời Giám đốc kỹ thuật có "đặt hàng" họ về lối chơi không, hay để họ tự quyết theo cảm tính cá nhân họ. Cái này cũng cần phải xem lại.

Các đội tuyển nam Việt Nam thi đấu chưa đạt mục tiêu Chiến lược đề ra và kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà

+ Trở lại với hội nghị sơ kết của Bộ VH-TT&DL, mục đích ban đầu là tổ chức để đánh giá những vấn đề đã và chưa làm được, hướng khắc phục, cách triển khai giai đoạn còn lại. Song nhiều người ra về vẫn chưa thỏa mãn, thậm chí có người băn khoăn về "số phận" của Chiến lược này rồi sẽ tới đâu. Ông có cùng quan điểm không?

- Thú thật tôi cũng chưa thỏa mãn với báo cáo sơ kết dài 11 trang nhưng lan man, không đi đúng trọng tâm, không đối chiếu giữ mục tiêu đề ra trong chiến lược với kết quả thực hiện, từ đó chỉ ra cụ thể xem cái gì đã làm được, cái gì chưa, nguyên nhân vì sao, khắc phục thế nào... Các chỉ tiêu có nguy cơ không đạt thì có cần điều chỉnh không, điều chỉnh như thế nào. Sau năm 2020 thì việc hoạch định phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2030 ra sao. Những vấn đề này, hội nghị vừa qua chưa giải quyết được.

Chiến lược còn 3 năm cho mục tiêu 2020 và đó mới là mốc của giai đoạn 1, còn tầm nhìn tới 2030 với những mục tiêu cụ thể khác, tức là chúng ta còn 13 năm nữa để thực hiện.

Bản thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết ông chưa thỏa mãn, vì vậy đã chỉ đạo tổ chức một cuộc đối thoại vào trung tuần tháng 1-2018.

+ Cá nhân ông mong muốn gì ở cuộc đối thoại tới?

- Tôi mong ở cuộc đối thoại sắp tới sẽ có nhiều ý kiến phản biện, giải quyết được các khiếm khuyết mà hội nghị sơ kết vừa qua chưa làm được, đưa ra những hoạch định cũng như cách triển khai giai đoạn còn lại. Dù không dễ, song với chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng, tâm huyết của rất nhiều người làm bóng đá qua các thời kỳ, tôi nghĩ sẽ có khởi sắc.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!