Cựu Chủ tịch FIFA bị phanh phui nhận hối lộ

ANTĐ - Vụ “lùm xùm” liên quan đến một số cựu quan chức của FIFA cách đây vài năm cho đến hôm nay mới được tiết lộ. Tài liệu từ tòa án cho thấy, cựu Chủ tịch FIFA, Joao Havelange và thành viên trong Ủy ban điều hành, Ricardo Teixeira đã tham nhũng hàng triệu bảng từ Công ty Tiếp thị thể thao bị phá sản ISL. 

Theo hồ sơ của bên công tố được FIFA tiết lộ, ông Havelange nhận hối lộ ít nhất 1,5 triệu franc Thụy Sỹ (tương đương 985.000 bảng), Teixeira ăn đút lót 12,74 triệu franc Thụy Sỹ (8,3 triệu bảng) và bộ đôi này có thể bỏ túi tới 21,9 triệu franc Thụy Sỹ (14,3 triệu bảng). Tài liệu này không được đưa ra công khai từ tháng 6-2010, sau khi các công tố viên, FIFA và 2 trong số các quan chức hàng đầu của bóng đá thế giới đạt được thỏa thuận nhằm tránh bị điều tra hình sự. 

FIFA công bố tài liệu vài giờ sau khi Tòa án Tối cao của Thụy Sỹ bác đơn kháng cáo của Havelange và Teixeira, đồng thời khẳng định rằng các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ nhận được thông tin chi tiết về vụ sụp đổ của ISL.

Phóng viên của hãng tin AP đã gọi cho Liên đoàn bóng đá Brazil, nơi Texeira giữ cương vị lãnh đạo trong 23 năm để hỏi về phản ứng của họ trước thông tin này, song không có ai trả lời. Havelange là Chủ tịch của FIFA trong 24 năm và vẫn là Chủ tịch danh dự. Cựu quan chức 96 tuổi người Brazil này từng phải điều trị trong năm nay tại một bệnh viện ở Rio de Janeiro vì nhiễm trùng do vi khuẩn. Ông từ chức sau 48 năm là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hồi tháng 12 năm ngoái vì lý do sức khỏe, chỉ vài ngày trước lúc các quan chức Olympic phê chuẩn cuộc điều tra nhằm vào ông vì liên quan đến sự sụp đổ của ISL.

Trong khi đó, Teixeira từ chức khỏi cương vị lãnh đạo hàng đầu của Liên đoàn bóng đá Brazil và BTC World Cup 2014 hồi đầu năm, và cũng từ bỏ chiếc ghế trong Ủy ban điều hành FIFA vì vấn đề sức khỏe cùng lý do cá nhân. 

Vụ bê bối tại ISL bị phanh phui sau khi cơ quan điều tra ở Thụy Sỹ phát hiện Công ty tiếp thị thể thao này chi sai mục đích hàng triệu bảng cho các quan chức trước lúc bị phá sản vì khoản nợ 193 triệu bảng. Số tiền hối lộ này không bị coi là tội phạm ở Thụy Sỹ thời điểm đó.