Cựu Cảnh sát trưởng Honduras bị bắt theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Juan Carlos Bonilla Valladares - cựu Cảnh sát trưởng Cảnh sát quốc gia Honduras hiện phải đối mặt với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ vì tội buôn bán ma túy và vũ khí, dù có thời ông là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy.
Ông Juan Carlos Bonilla Valladares thời điểm bị bắt hôm 9-3

Ông Juan Carlos Bonilla Valladares thời điểm bị bắt hôm 9-3

Ông Juan Carlos Bonilla Valladares còn có biệt danh là “Mãnh hổ”, từng trường thành trong quân đội trước khi gắn bó lâu dài với sự nghiệp cảnh sát. Ông được Tổng thống Porfirio Lobo bổ nhiệm làm người đứng đầu Cảnh sát quốc gia vào tháng 5-2012 và giữ chức vụ đó cho đến hết tháng 12-2013. Ngày 9-3-2022, ông Bonilla bị bắt tại một trạm thu phí ở ngoại ô Tegucigalpa theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Nhà chức trách Mỹ đã công bố các cáo buộc chống lại cựu Cảnh sát trưởng vào năm 2020 và chính thức đề nghị Honduras dẫn độ từ năm ngoái. Nhưng phải đến khi bà Xiomara Castro nhậm chức Tổng thống (kế nhiệm ông Juan Orlando Hernández vào tháng 1-2022) thì Bonilla mới bị bắt. Tháng trước, ông Hernández cũng đã bị bắt vì tội buôn bán ma túy ở Mỹ và đang bị giam giữ để chờ quyết định dẫn độ.

Hôm 10-3, một thẩm phán đã thông báo cho ông Bonilla về các cáo buộc của Mỹ, trong đó có 2 tội danh buôn bán ma túy và 1 tội danh về vũ khí, đồng thời ra lệnh giam giữ tại một căn cứ quân sự để chờ quyết định dẫn độ. Theo thông báo của Tòa án Tư pháp Tối cao, ông Bonilla sẽ có một buổi điều trần vào ngày 8-4 để đối mặt với các bằng chứng cáo buộc.

Các Công tố viên Mỹ cáo buộc cựu Cảnh sát trưởng quốc gia lợi dụng chức vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng tấn cocaine tới Mỹ. Ông ta đã giúp các tổ chức ma túy trốn tránh cảnh sát bằng cách báo trước các chiến dịch ngăn chặn trên không và trên biển. Bonilla còn được cho là điều hành biệt đội hành quyết và trở thành kẻ giết người thuê cho những kẻ buôn lậu ma túy. Tham gia đường dây này là cựu Tổng thống Hernández và em trai Tony Hernández. Tuy nhiên, dù đối mặt với các cáo buộc này, ông Bonilla đã không hợp tác chặt chẽ với Mỹ.

Đáng nói, nhân vật này từng bị truy tố về một tội giết người nhưng được tuyên trắng án vào năm 2004. Cựu cảnh sát María Luisa Borjas kể, năm 2002, bà nhận chức Giám đốc Văn phòng nội vụ Cảnh sát quốc gia. Khi nhận được báo cáo về Bonilla cùng các cáo buộc ông có liên quan đến giết người, bảo kê cho giới buôn lậu ma túy, bà đã tổ chức lập chuyên án và trình phát hiện của mình lên Văn phòng Công tố nhân quyền. Một thẩm phán đã ban hành lệnh bắt giữ Bonilla và những người khác, nhưng ông được những nhân vật quyền lực trong chính phủ che chắn.

Kết quả, 6 tháng sau khi tiếp quản Văn phòng nội vụ Cảnh sát quốc gia, bà Borjas bị cách chức và sa thải khỏi ngành cảnh sát. Đội điều tra của bà cũng bị phân tán, điều chuyển làm nhiệm vụ mới trên khắp đất nước.

“Việc tôi bị đuổi khỏi ngành chắc chắn là vì “Mãnh hổ” Bonilla” - bà nói. Bà Borjas cho biết thêm, Bonilla có thể là một kho tàng thông tin cho các Công tố viên Mỹ, không chỉ về cựu Tổng thống Hernández mà còn cả người tiền nhiệm của ông (cựu Tổng thống Lobo) cũng như các quan chức, thẩm phán, nhà lập pháp và doanh nhân khác.

Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy ngày 10-3 kể, trước đây ông đã nhiều lần thúc giục chính phủ cắt đứt quan hệ với Bonilla. Nhưng thay vào đó, cựu Cảnh sát trưởng Cảnh sát quốc gia Honduras được đối đãi như một đối tác hợp pháp, bất chấp việc ông ta đã tham gia sâu vào nạn tham nhũng và tàn bạo của giới buôn bán ma túy.

“Bộ Tư pháp Mỹ với nỗ lực bắt giữ và dẫn độ ông ta đáng được khen ngợi vì đã tái khẳng định rằng, không ai đứng trên luật pháp. Đó là một thông điệp mà người dân Honduras đã chờ nghe từ lâu” - ông Patrick Leahy bày tỏ.