Cuộc sống xa hoa của cướp biển Somalia

(ANTĐ) - “Không có thông tin gì hôm nay. Miễn bình luận”, một cướp biển Somalia hét lên át cả tiếng sóng biển trước khi kết thúc cuộc điện thoại qua vệ tinh. Người này có vẻ căng thẳng, lo lắng liệu số tiền chuộc lên đến hàng triệu USD có được đáp ứng. Đây là một trong số cướp biển trên con tàu MV Faina của Ukraine vận chuyển hơn 33 xe tăng và vũ khí hạng nặng.

Cuộc sống xa hoa của cướp biển Somalia

(ANTĐ) - “Không có thông tin gì hôm nay. Miễn bình luận”, một cướp biển Somalia hét lên át cả tiếng sóng biển trước khi kết thúc cuộc điện thoại qua vệ tinh. Người này có vẻ căng thẳng, lo lắng liệu số tiền chuộc lên đến hàng triệu USD có được đáp ứng. Đây là một trong số cướp biển trên con tàu MV Faina của Ukraine vận chuyển hơn 33 xe tăng và vũ khí hạng nặng.

Chưa có giải pháp cho tàu chở vũ khí hạng nặng của Ukraine bị cướp biển trấn giữ
Chưa có giải pháp cho tàu chở vũ khí hạng nặng của Ukraine bị cướp biển trấn giữ

Lối sống xa hoa

Theo dân chúng khu vực Puntland, Somalia - vùng đất được coi là quê hương của phần lớn cướp biển, bọn họ có một cuộc sống rất xa hoa. “Họ có tiền, có quyền lực và ngày càng mạnh” - Abdi Farah Juha, một trong những người sống ở Garowe, thủ phủ của Puntland cho biết.

Cuộc sống này là sức hấp dẫn lớn đối với giới trẻ ở Puntland, những người có rất ít hy vọng về một sự nghiệp khác ở đất nước đã bị chiến tranh tàn phá. Một khi đã có ít lưng vốn, cướp biển sẽ lấy thêm 2-3 vợ, toàn là các cô gái đẹp, xây nhà to, có xe hơi và tất nhiên là súng đời mới. “Cướp biển được chấp nhận trong xã hội nên đã trở thành “mốt”.

Tác động tiêu cực của nạn cướp biển có thể thấy trong cuộc sống thường ngày ở Garowe. Lực lượng an ninh ngày càng thiếu bởi “hàng trăm người được trang bị vũ khí” gia nhập đội quân cướp biển. Giá cả cũng đắt đỏ hơn bởi “họ bơm số tiền đôla Mỹ lớn” vào nền kinh tế địa phương khiến tỷ giá hối đoái lên xuống thất thường. Bản thân cướp biển cũng có lối sống không vui vẻ gì bởi phải phụ thuộc vào ma túy, lá gai dầu và rượu.

Sự đoàn kết đến ngạc nhiên

Cướp biển Somalia thường ở độ tuổi 20-35. Theo tiếng gọi của đồng tiền, bọn họ mơ một cuộc sống giàu sang ở một đất nước mà hơn một nửa dân số cần đến lương thực viện trợ sau 17 năm xung đột không ngừng. Trung bình mỗi tàu chở hàng hóa qua Vịnh Aden phải chi khoảng 2 triệu USD tiền chuộc, bởi thế mà số con tin bị bắt giữ được chăm sóc khá kỹ.

Phóng viên BBC ở Puntland, Ahmed Mohamed Ali cho biết, điều này cũng giải thích tại sao hoạt động của cướp biển chặt chẽ đến vậy. Gần như không có chuyện xô xát trong nội bộ bởi lời hứa về tiền bạc đưa chúng lại gần nhau. Người dân nơi đây cũng hiếm khi thấy cảnh cướp biển bị thương hay phát hiện một xác chết của ai đó bên bờ biển. Có lẽ vậy nên thông tin cướp biển bắn nhau trên tàu MV Faina ngay lập tức đã bị hải tặc trấn giữ tàu bác bỏ.

Bất ngờ trong tổ chức chuyên nghiệp

Tàu MV Faina ban đầu bị một nhóm 62 người tấn công. Nhà phân tích về Somalia có tên Mohamed Mohamed cho rằng, đội quân ô hợp này chia làm 3 thành phần chính: Những người từng là ngư dân, được coi là bộ não của chiến dịch bởi hiểu rất rõ về biển; là cựu quân nhân - bộ phận cơ bắp - từng chiến đấu qua nhiều cuộc chiến tranh ở Somalia; cuối cùng là chuyên gia kỹ thuật - những chuyên viên máy tính biết cách điều hành thiết bị công nghệ cao cần thiết cho một cuộc tấn công như điện thoại vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu và vũ khí quân sự. 3 nhóm này chia sẻ lợi nhuận là số tiền mặt do các công ty tàu biển trả.

Yemen, bên bờ Vịnh Aden được coi là nguồn cung cấp vũ khí của cướp biển. Một số lượng lớn vũ khí cũng được mua trực tiếp từ Thủ đô Mogadishu của Somalia. Các nhà buôn lậu vũ khí ở Mogadishu nhận đặt cọc đặt hàng qua một công ty “hawala” - một hệ thống chuyển tiền không chính thức dựa trên sự tín nhiệm. Binh lính sẽ chở vũ khí từ phía Bắc cho cướp biển ở Puntland, rồi nhận được tiền phân phối.

Nguồn cơn của cướp biển

Thực ra, cướp biển đã trở thành vấn đề rắc rối ở vùng biển Somalia ít nhất 10 năm nay, khi ngư dân nước này mất kế sinh nhai. Lối đánh bắt truyền thống đã bị những kẻ đánh cá bất hợp pháp xâm phạm và cướp hết nguồn cá. Cũng vì nguồn cơn này, cướp biển Somalia luôn tự nhận mình là lực lượng bảo vệ bờ biển.

Một báo cáo của hãng Chatham House chuyên cố vấn về thương mại của Anh thống kê, cướp biển ở ngoài khơi Somalia trong năm nay đã thu về gần 30 triệu USD tiền chuộc. Nghiên cứu này cũng cho thấy, hải tặc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn, ví như vụ tấn công tàu MV Faina 1 tháng trước, thách thức cả những cường quốc về quân sự hàng đầu thế giới và hiện vẫn chưa có phương án giải quyết.

Yến Chi

(Theo BBC)