Cuộc khủng hoảng phụ nữ tuổi teen sinh con ở Uganda

ANTD.VN - Ở Uganda, 1 trong 4 phụ nữ có con ở độ tuổi 19 tuổi. Trung bình, mỗi phụ nữ Uganda có 5 người con và ở nông thôn, con số này còn cao hơn. Chỉ có khoảng 27% phụ nữ sử dụng một hình thức tránh thai hiện đại. Các nhân viên y tế cung cấp dịch vụ tránh thai thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công bạo lực từ chính những người đàn ông. 

Cuộc khủng hoảng phụ nữ tuổi teen sinh con ở Uganda ảnh 1Sadres Tukamushaba (32 tuổi) là mẹ của 7 đứa trẻ 

Những bà mẹ tuổi teen 

“Tôi có con khi mới 14 tuổi. Cha của đứa trẻ bỏ  đi. Tôi đã tìm kiếm nhưng bố mẹ nói rằng, anh ấy đã chết. Tôi cố gắng để tạo dựng cuộc sống riêng và nuôi dạy con cái khôn lớn”, Anita Kobusingye kể về câu chuyện của mình. Sau nhiều năm, giờ đây, Anita đã trở thành một tuyên truyền viên về sinh đẻ có kế hoạch. “Có nhiều lý do khiến người trẻ không muốn sử dụng biện pháp tránh thai. Có người cho rằng, sử dụng biện pháp tránh thai sẽ làm tử cung sưng lên, cơ thể tăng cân thiếu kiểm soát hoặc không thể có con. Khi tôi giải thích thì họ đặt nghi vấn, làm sao tôi biết khi không phải là bác sĩ”, Anita nói. 

Christine (18 tuổi) đang mang thai đứa con thứ hai. “Chồng tôi muốn có 7 đứa con. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”, Christine nói. Ngồi kế bên là Sadres Tukamushaba. Trông cô già hơn nhiều so với tuổi 32 của mình. “Tôi giờ đã là mẹ của bảy đứa con và thực sự không còn quan tâm đến những gì chồng mình muốn. Anh ấy không làm việc, không mua thực phẩm, không sửa chữa nhà cửa”, Sadres Tukamushaba chia sẻ.

Nhóm cung cấp dịch vụ y tế di động Marie Stopes International đã di chuyển đến nhiều vùng nông thôn ở Uganda với mục đích giúp phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. “Chúng tôi đã di chuyển khoảng năm giờ lái xe từ Kampala đến Rwibale, ở quận Kyenjojo. Những nhân viên của Marie Stopes International sẽ gặp gỡ những người phụ nữ trẻ và tư vấn họ cách sử dụng biện pháp tránh thai”, Prosper Kigumire, một nhân viên của Marie Stopes International nói.

Ở bên ngoài khu lều tạm được các nhân viên của Marie Stopes International dựng lên, nhiều phụ nữ đứng xếp hàng chờ đến lượt mình. Họ lần lượt được các nhân viên y tế giới thiệu các biện pháp tránh thai khác nhau. Khi lựa chọn được biện pháp tránh thai phù hợp, người phụ nữ được đưa lên xe có dán khẩu hiệu “Nuôi dạy con bằng niềm vui” để tiến hành các thủ thuật.

“Những người phụ nữ phải có quyền tự chủ”

Tiến sĩ Carole Sekempi, Giám đốc của Marie Stopes International nói rằng, 1/4 phụ nữ Uganda có con ở tuổi 19. Thông thường, họ không tìm kiếm biện pháp tránh thai cho đến khi đã có ít nhất hai con. “Nhiều người phụ nữ tôi gặp than vãn về chồng mình. Những người chồng không làm gì cả. Họ không đưa con đến trường, thường xuyên say xỉn. Nếu không có chồng, người phụ nữ lại bị xã hội kỳ thị”, Tiến sĩ Carole Sekempi nói. 

Một số cô gái trẻ được gia đình “gửi gắm” cho những người đàn ông lớn tuổi, được gọi bằng thuật ngữ “sugar daddy”. Những cô gái trẻ thường bỏ học khi mang thai. Không được tiếp tục đến trường, không có kiến thức và việc làm, chu kỳ đói nghèo vẫn tiếp diễn. Tình trạng trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, biến chứng sản khoa và phá thai là những vấn đề đáng báo động.

Bác sĩ Peter Ddungu của Marie Stopes International cho hay, khoảng 26% khách hàng mà tổ chức này tiếp cận sống trong tình trạng nghèo cùng cực; 15% dưới 20 tuổi. Khi một người mẹ qua đời, khả năng đứa trẻ họ sinh ra sẽ chết trước khi hai tuổi khá cao. “Sinh con sớm và quá dày không tốt cho phụ nữ và hôn nhân. Khoảng cách giữa các lần sinh phải được tính toán kỹ. Cần có sự tham gia của nam giới trong cuộc chiến này nhưng thực sự những người phụ nữ phải có quyền tự chủ. Họ phải đưa ra quyết định sáng suốt”.

Uganda là quốc gia có dân số trẻ với 1/3 dân số dưới 19 tuổi. Tỷ lệ trẻ em gái dưới 14 tuổi sinh con cao, thậm chí có trẻ em gái dưới 10 tuổi sinh con. Giáo dục giới tính là chìa khóa để giải quyết bài toán khủng hoảng phụ nữ tuổi teen sinh con nhưng cũng là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, giáo dục giới tính là cách “vẽ đường cho hươu chạy” và có thể lại thúc đẩy tỷ lệ phụ nữ trẻ sinh con tăng cao.