Cuộc giao lưu trực tuyến ý nghĩa và đúng thời điểm

ANTĐ - Tại cuộc giao lưu trực tuyến sáng 21-1 của Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia với chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, nhiều vấn đề nóng đã được nêu ra. Hàng trăm câu hỏi, thể hiện sự quan tâm của đông đảo bạn đọc về chủ đề này đã được gửi về tòa soạn. 

Các vị khách mời: ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội; ông Nghiêm Quốc Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội; bà Phan Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Tân Đạt - Tổng công ty vận tải Hà Nội; ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Liên Ninh, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội; ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng giám đốc phụ trách vận tải Tập đoàn Mai Linh – đã lần lượt trả lời các câu hỏi của bạn đọc Báo An ninh Thủ đô.

Cuộc giao lưu trực tuyến ý nghĩa và đúng thời điểm ảnh 1Tổng Biên tập Báo ANTĐ Đào Lê Bình tặng hoa và ấn phẩm Báo Tết Xuân Ất Mùi cảm ơn các khách mời tham gia cuộc giao lưu trực tuyến 

Tính mạng con người trên hết

- Luật quy định mức nồng độ cồn cho phép, tức là không cấm tuyệt đối uống rượu bia trước khi lái xe. Vậy vì sao Ủy ban ATGT Quốc gia  lại chọn khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - Không lái xe”? Thông điệp này hàm ý gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia: Thống kê từ một số bệnh viện lớn trên cả nước cho thấy, số người bị TNGT có liên quan đến rượu bia chiếm 40% và 11% tử vong. Con số này còn tăng lên nhiều vào dịp lễ, Tết. Kế hoạch 356 của Ủy ban ATGT Quốc gia nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; từng bước hình thành thói quen không điều khiển xe sau khi sử dụng rượu, bia trên phạm vi toàn quốc, nhằm giảm các vụ TNGT do uống rượu bia khi lái xe. Thông điệp Ủy ban ATGT Quốc gia hướng đến là “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Hiện tại, Nghị định 171/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với người điều khiển ô tô, trong hơi thở đo được nồng độ cồn sẽ bị xử phạt và mức phạt tùy theo nồng độ. Còn với người điều khiển xe mô tô, với mức 0,25mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt.Vì vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia khuyến cáo, khi đã sử dụng rượu bia và các chất có nồng độ cồn thì không nên lái xe tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn cho tính mạng của chính mình và mọi người.

- CSGT Hà Nội đã lập nhiều chốt để xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các chốt được bố trí như thế nào, thưa ông?

- Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội: Vị trí lập chốt kiểm tra vi phạm được lập gần các trung tâm ăn uống, nhà hàng, quán bar, karaoke… trong khung thời gian từ 12h đến 16h và từ 18h đến 22h. Việc bố trí lực lượng phải kết hợp giữa công khai và hóa trang, thông tin về đặc điểm đối tượng vi phạm qua bộ đàm để phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Phòng CSGT cũng chỉ đạo, cán bộ chiến sỹ tham gia tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn phải đảm bảo về quân số, được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như: Máy kiểm tra nồng độ cồn, máy ghi âm, ghi hình, vũ khí, công cụ hỗ trợ… để sử dụng kịp thời, trấn áp và củng cố tài liệu vi phạm đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng. Chúng tôi vừa phải bố trí cán bộ kiểm tra, vừa phải có cán bộ cảnh giới đề phòng đối tượng manh động chống trả.

Hạn chế truy đuổi người vi phạm

- Mới đây, có thông tin các quán bia sẽ tổ chức đưa người uống rượu bia về nhà, thông tin này có xác thực không? Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội: Nội dung câu hỏi của bạn tôi chưa nhận được thông tin xác thực bằng văn bản, cũng chưa tận mắt chứng kiến việc các quán bia tổ chức chở người uống rượu bia trong trạng say mất tự chủ về nhà. Theo tôi, việc tổ chức chở người uống rượu bia về là không nên mà đề nghị nhà hàng bố trí cho khách hàng nghỉ ngơi tại chỗ, để tránh ảnh hưởng xấu đến tính mạng, tài sản của khách hàng. 

- Những người say rượu thường không thừa nhận mình say, hay có biểu hiện chống đối. Quan điểm của Phòng CSGT CATP Hà Nội về việc này như thế nào, thưa ông?

 - Đại tá Đào Vịnh Thắng: Với các trường hợp người vi phạm bỏ chạy, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ thông báo qua bộ đàm với các chốt kế tiếp hoặc lực lượng hóa trang sẽ kiểm tra, xử lý. Sẽ hạn chế việc truy đuổi, trừ các trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm.

Riêng các trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, trước hết, phải nhắc nhở, giải thích để người vi phạm tự giác chấp hành. Việc này cần thực hiện một cách mềm mỏng, linh hoạt, nhưng vẫn phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh gây căng thẳng, xung đột với người vi phạm. Nếu người vi phạm cố tình không chấp hành, có hành vi lăng mạ, chống trả lại lực lượng chức năng, cần phải báo cáo ngay chỉ huy đơn vị và Công an phường sở tại để hỗ trợ kịp thời, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ống thổi chỉ sử dụng 1 lần
Cuộc giao lưu trực tuyến ý nghĩa và đúng thời điểm ảnh 2
- Đến nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã cấp cho lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố bao nhiêu máy đo nồng độ cồn? Máy đo này Việt Nam đã sản xuất được chưa hay vẫn phải nhập và tại sao? Chi phí một máy đo nồng độ cồn có cao không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trọng Thái: Đến nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm quốc tế về chính sách chất có cồn quốc tế tại Việt Nam, chuyển 2 dự án về phòng chống uống rượu bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại 8 tỉnh, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghệ An và Thanh Hóa. Hai dự án này hỗ trợ trang bị gần 200 máy đo nồng độ cồn cho lực lượng CSGT 8 tỉnh.
Máy đo nồng độ cồn đều là máy nhập khẩu của công ty có uy tín, thương hiệu trên thế giới, đáp ứng được quy chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Công an cũng có những dự án trang bị cho lực lượng CSGT các địa phương. Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được máy đo nồng độ cồn mà chủ yếu nhập từ châu Âu, Australia... vì chất lượng tốt, chi phí mỗi máy dao động từ 1.000 - 2.000 USD.

- Nhiều người tham gia giao thông lo ngại mất vệ sinh khi nhiều người cùng thổi vào 1 thiết bị đo nồng độ cồn. Có giải pháp nào cho chuyện này, thưa ông?

- Đại tá Đào Vịnh Thắng: Mỗi máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT đều có bộ phận ống thổi, dễ dàng thay thế. Khi người điều khiển phương tiện được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, CSGT sẽ bóc ống thổi mới được bọc trong túi ni lông, lắp vào máy đo nồng độ cồn và hướng dẫn người dân thổi đúng quy cách.

Người tham gia giao thông hoàn toàn yên tâm về vấn đề vệ sinh khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn bởi mỗi ống thổi chỉ sử dụng 1 lần cho 1 người dân. Sau khi kiểm tra, ống thổi đó sẽ được tiêu hủy theo quy định. Việc sản xuất, bảo quản ống thổi hoàn toàn đảm bảo vệ sinh.