Cuộc đua nước rút sản xuất vaccine phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc đua sản xuất và đưa vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vào sử dụng để đẩy lui đại dịch đang hoành hành khắp thế giới trở lên nóng bỏng khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức đăng ký vaccine phòng bệnh Covid-19, mở đường để tiêm chủng hàng loạt cho người dân nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.
Nga đã cấp giấy phép đăng ký vaccine phòng bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik-V

Nga đã cấp giấy phép đăng ký vaccine phòng bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik-V

Cuộc đua cấp bách với cả thế giới

Thông tin Nga chính thức đăng ký vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) được Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân thông báo đã gây chấn động trong bối cảnh đại dịch này đang hoành hành khắp thế giới. Tổng thống Vladimir Putin cho biết vaccine phòng bệnh Covid-19 do Viện Gamaleya ở Matxcơva phát triển, đảm bảo độ an toàn và “bật mí” rằng con gái ông cũng “đã sử dụng mũi tiêm đầu tiên”.

Người đứng đầu nước Nga cho biết thêm vaccine đã vượt qua tất cả các khâu thử nghiệm cần thiết và chứng tỏ hoạt động khá hiệu quả, có khả năng hình thành miễn dịch mạnh mẽ. Theo ông Putin, vaccine sau khi tiêm đã giúp hình thành khả năng miễn dịch ổn định trong cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Sau thông báo của Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định, vaccine phòng ngừa Covid-19 được đặt tên là “Sputnik-V” đã cho thấy “hiệu quả, có độ an toàn cao và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng", tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều tự phát triển được kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ở mức cao. Vaccine “Sputnik-V” sau khi được tiêm sẽ mang lại khả năng miễn dịch trong vòng 2 năm đối với virus SARS-CoV-2.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký của Nga, vaccine "Sputnik-V" do Công ty Binnopharm ở thành phố Zelenograd của Nga sản xuất với sản lượng ban đầu ở đây dự kiến đạt 1,5 triệu liều/năm. Một liều vaccine “Sputnik-V” gồm hai mũi tiêm sử dụng các phiên bản adenovirus khác nhau.

Giới chức Nga cho biết vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19 của nước này sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân Nga. Hiện, vốn đầu tư cho quá trình phát triển và sản xuất vaccine “Sputnik-V” đang được dùng bằng ngân sách của Chính phủ và Nga vào lúc này vẫn chưa công bố giá bán vaccine trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Việt Nam đang hoàn thiện vaccine dự tuyển Vabiotech

Tại Việt Nam, tiến độ bào chế vaccine phòng ngừa Covid-19 đang vượt dự kiến. Giữa tháng 6 vừa qua, vaccine dự tuyển, được các nhà khoa học của công ty Vabiotech triển khai với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF, đã được xác nhận có tính sinh miễn dịch khá cao, vượt tiến độ 2 tháng. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là cơ sở để phát triển một vaccine hoàn chỉnh. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng trên người.

Công nghệ được sử dụng trong sản xuất vaccine của Việt Nam là vector virus, thay vì các công nghệ vaccine bất hoạt hay giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phụ hợp với các vaccine đại dịch. Dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời một vaccine mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vaccine cho Việt Nam, nhất là trong đại dịch.

Người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, vaccine ngừa bệnh Covid-19 do Viện Gamaleya phát triển đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ nước ngoài và hiện đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều. Theo ông Dmitriev, cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine ““Sputnik-V”/năm tại 5 quốc gia, RDIF đang hoàn tất một số hợp đồng đặt mua vaccine.

Việc Nga trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine phòng bệnh Covid-19 đã làm nóng thêm cuộc bào chế vaccine ngăn chặn đại dịch thế kỷ này. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại tâm dịch Trung Quốc và lây lan với tốc độ chóng mặt ra toàn thế giới, việc tìm kiếm vaccine cũng như thuốc đặc trị đã trở lên vô cùng cấp bách với cả thế giới.

Vaccine phòng Covid-19 không phải là “thần dược” để chủ quan

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người dân trên toàn cầu mà còn làm đảo lộn đời sống kinh tế-xã hội cả thế giới. Sau hơn 7 tháng hoành hành, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 20 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 746 nghìn người tử vong. Chừng nào còn chưa có vaccine hay thuốc đặc trị bệnh Covid-19 thì sức khỏe, tính mạng con người còn bị đe dọa; cuộc sống trên thế giới còn bị đảo lộn nghiêm trọng, kinh tế toàn cầu còn chìm trong suy thoái…

Chính vì thế, sớm sản xuất được vaccine và thuốc đặc trị Covid-19 là một đòi hỏi cấp bách hàng đầu trên toàn thế giới thời gian qua. Các quốc gia và tổ chức quốc tế đã chi hàng tỷ USD cho việc tìm kiếm các loại thuốc đặc trị bệnh Covid-19, trong đó vaccine phòng ngừa được xem là mũi nhọn ưu tiên số một.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-8 tuyên bố, nước này có khả năng Mỹ sẽ có vaccine phòng Covid-19 trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3-11 tới. Trước đó chỉ một ngày, ngày 5-8, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ chi 1 tỷ USD để có được 100 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson nếu hãng này bào chế thành công.

Châu Âu cũng rất khẩn trương khi đã gây quỹ 8 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19, trong đó Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp 1 tỷ Euro (gần 1,1 tỷ USD), Đức cam kết 525 triệu Euro, Pháp 500 triệu Euro, Na Uy 1 tỷ USD … Khoảng 40 nước trên thế giới cùng với Liên Hợp quốc và các tổ chức từ thiện, trong đó có Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú Bill Gates và các viện nghiên cứu tham gia gây quỹ tài trợ cho việc bào chế vaccine phòng Covid-19.

Tính đến đầu tháng 8, trên thế giới có 6 loại vaccine phòng ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, là giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá liệu vaccine có giúp bảo vệ nhiều người khỏi virus trong một thời gian dài hay không. Trong số 6 vaccine này, có 3 loại của Trung Quốc, một loại của Đại học Oxford (Anh) và công ty dược phẩm đa quốc gia Anh-Thụy Điển AstraZeneca, một loại khác của công ty Moderna (Mỹ) và Viện Nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), loại cuối cùng là sự phối hợp của 3 bên gồm công ty của Đức BioNTech, Fosun Pharma của Trung Quốc và Pfizer của Mỹ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vaccine phòng Covid-19. Một số mẫu vaccine hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba và không có mẫu nào thất bại, tức là chúng có khả năng đảm bảo an toàn và khả năng miễn dịch. Theo các chuyên gia, tiến độ nghiên cứu điều chế và thử nghiệm các loại vaccine đến nay thực sự khả quan, và đó là tiền đề tích cực hướng tới vaccine phòng Covid-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.

Tất nhiên, từ khi chính thức đăng ký vaccine như Nga cho tới khi nó được tiêm chủng đại trà còn là một chặng đường không phải ngắn với rất nhiều gian nan. Không chỉ có Nga mà từ tháng 3 tới nay đã có tới 29 loại vaccine trên thế giới thử nghiệm giai đoạn một và giai đoạn hai trên hàng trăm tình nguyện viên với những tín hiệu lạc quan chỉ phát hiện tác dụng phụ nhẹ và trung bình, không có vấn đề nghiêm trọng, trong khi tình nguyện viên sản sinh đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Song, giới chuyên môn cho rằng cho dù kết quả ban đầu hứa hẹn đến đâu, thử nghiệm giai đoạn ba vẫn có thể thất bại.

Sau này, kể cả khi có vaccine phòng ngừa Covid-19 thì vẫn không thể xem thường đại dịch nguy hiểm này. Cả thế giới vẫn khó có thể trở lại trạng thái bình thường như trước đây mà phải ở vào tình trạng bình thường mới, với những quy định, biện pháp để phòng ngừa con virus SARS-CoV-2 quái ác có thể biến chủng nguy hiểm.