Cuộc đua chưa khai cuộc

(ANTĐ) - Đến thời điểm này có thể khẳng định sẽ không có một ngân hàng nào được lập mới trong năm 2007. Cuộc đua vẫn trong giai đoạn khởi động khi chưa có tiếng còi khai cuộc.

Cuộc đua chưa khai cuộc

(ANTĐ) - Đến thời điểm này có thể khẳng định sẽ không có một ngân hàng nào được lập mới trong năm 2007. Cuộc đua vẫn trong giai đoạn khởi động khi chưa có tiếng còi khai cuộc.

Không muốn chậm chân

Thêm một năm nữa kế hoạch lập ngân hàng thương mại của Bảo Việt không trở thành hiện thực. Đây là đầu mối triển vọng nhất bởi đã có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm, có tiềm lực vốn lớn, nhân lực và mạng lưới phủ khắp trên cả nước và là đơn vị sớm có hồ sơ và kế hoạch xin lập ngân hàng. Trong chiến lược trở thành một tập đoàn tài chính mạnh, ngân hàng là một hoạt động mà Bảo Việt không muốn chậm chân.

Ngoài Bảo Việt, hơn 15 bộ hồ sơ khác đã nộp Ngân hàng Nhà nước. Sự chậm chân đi cùng với thị phần bị thu hẹp; những ngân hàng nội địa dự kiến lập mới cũng cần có thời gian sớm tìm được chỗ đứng trước khi những cam kết mở cửa lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực trong hơn 3 năm nữa.

Và cũng không loại trừ sự nóng lòng, không muốn chậm chân trên  con đường nhiều khả năng sinh lợi, khi năm 2007 tiếp tục là một năm thắng lớn của hầu hết các ngân hàng thương mại.

Không thể ồ ạt cấp phép thành lập thêm các ngân hàng mới (ảnh có tính minh họa)

Không thể ồ ạt cấp phép thành lập thêm các ngân hàng mới (ảnh có tính minh họa)

Chỉ riêng phần lợi nhuận của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín hay Ngân hàng á châu trong năm nay cũng đủ để áp đảo mức vốn điều lệ của một ngân hàng cỡ  trung trên thị trường; những ngân hàng mới thành lập như Ngân hàng Đông Nam Á cũng dự kiến thu về trên 450 tỷ đồng; hay mới chuyển đổi như Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội cũng đã thu về trên 130 tỷ đồng…

Theo xu hướng và cả “thị hiếu” hiện nay, những doanh nghiệp  có được từ “ngân hàng” trong danh mục hoạt động như có thêm lực hấp dẫn đầu tư mới, có vị thế mới trong hướng phát triển đa ngành và trong đối sánh với các doanh nghiệp khác (!?). Còn mục đích khác như lập ngân hàng để đứng ra thu xếp vốn cho chính các bên tham gia thành lập, để “mông má”  thương hiệu rồi bán cổ phiếu kiếm lời… đã bị loại trừ theo quy chế mới của Ngân hàng Nhà nước.

Còn nhiều suy xét

Ngày 7-6-2007, Quy chế cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được ban hành. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một hồ sơ nào được phê duyệt. Theo lãnh đạo Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), do đây là một lĩnh vực đặc thù nên sẽ phải suy xét thận trọng, có lộ trình và không ồ ạt kiểu phong trào.

Chính vì tính đặc thù và nhạy cảm đối với nền kinh tế nên đã có những hoài nghi đặt ra khi những đơn vị chưa có tiền lệ hoạt động tài chính ngân hàng như Tập đoàn FPT, Habeco, Mobifone, Tập đoàn Dệt may, TCty Sông Đà… xin lập ngân hàng thương mại. Lãnh đạo FPT tự tin cho rằng tập đoàn mình có đủ kinh nghiệm, nhân lực và thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ để tham gia.

Về thị phần, FPT tự tin với ít nhất là 10.000 khách hàng trong tương lai là chính cán bộ công nhân viên của mình. Một số đầu mối khác cũng tự tin ở tiềm lực vốn, sẵn sàng có ngay vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng, con số mà nhiều ngân hàng hiện có đang chật vật hoàn thành trước hạn 31-8-2008.

Ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, cho biết  “nhìn sang các nước trong khu vực như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…, gần 20 năm qua hầu như không cấp phép thành lập thêm các ngân hàng nội địa. Một nguyên nhân là trong các cuộc khủng hoảng tài chính, gốc rễ thường xuất phát từ các ngân hàng nội địa”.

Mặt khác, dù đã đặt điều kiện các đầu mối tham gia lập ngân hàng phải có vốn tối thiểu 500 tỷ đồng, nhưng hiện các tổng công ty, doanh nghiệp đó hoạt động tốt, làm ăn hiệu quả thì không sao; nhưng trong tương lai làm ăn thua lỗ thì sao? Trên thực tế Việt Nam đã từng gặp những trường hợp đổ vỡ trong lĩnh vực này mà hậu quả đến này vẫn chưa khắc  phục hết.

Minh Thu