Cuộc chiến tỷ giá

(ANTĐ) - Càng gần đến ngày 15-4, thời hạn chót để Bộ Tài chính Mỹ quyết định có coi Trung Quốc là “thao túng tiền tệ” hay không, bầu không khí giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở nên ngột ngạt. Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều chỉ trích bên kia là bảo hộ trong chính sách hối đoái.

Cuộc chiến tỷ giá

(ANTĐ) - Càng gần đến ngày 15-4, thời hạn chót để Bộ Tài chính Mỹ quyết định có coi Trung Quốc là “thao túng tiền tệ” hay không, bầu không khí giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở nên ngột ngạt. Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều chỉ trích bên kia là bảo hộ trong chính sách hối đoái.

Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ
Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ

Năm 2009, thâm hụt thương mại của Mỹ giảm tới 45,3% so với năm 2008. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991 và là mức thâm hụt thấp nhất trong 8 năm qua. Theo các chuyên gia kinh tế, thâm hụt thương mại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010 và Trung Quốc vẫn là yếu tố lớn nhất tạo ra tình trạng đó.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên mỗi khi nói về nguyên nhân của sự mất cân bằng nghiêm trọng trong cán cân thương mại của Mỹ, mọi con mắt ở Washington đều đổ dồn về Bắc Kinh. Các nhà kinh tế Mỹ cho rằng, đồng nhân dân tệ đã được Trung Quốc cố tình định giá thấp hơn từ 25% - 40% so với giá trị thực nhằm duy trì sức cạnh tranh và tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, gây thiệt hại lớn cho Mỹ.

Sự căng thẳng càng tăng khi xuất khẩu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi từ tháng 12-2009. Các nhà lập pháp và các chuyên gia kinh tế Mỹ lập tức lên tiếng yêu cầu chính phủ nước này ra phán quyết khẳng định Trung Quốc cố tình dùng tỉ giá đồng nhân dân tệ để chi phối mậu dịch. Nếu kết luận đó được đưa ra (hạn chót là ngày 15-4), Washington sẽ dễ dàng áp đặt mức thuế chống bán phá giá với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc đâu phải là đối thủ dưới tầm. Bắc Kinh tuyên bố thẳng rằng, chính quyền của Tổng thống B. Obama dưới áp lực của Quốc hội Mỹ đang phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể để tạo thêm việc làm mới cũng như mở rộng xuất khẩu ra thị trường thế giới nhằm xoa dịu căng thẳng trong nội bộ nước Mỹ. Theo Bắc Kinh, việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh lại chính sách tiền tệ là nhằm đánh lạc hướng khó khăn trong nước.

Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố sẽ không lùi bước trước sức ép của Mỹ. Ngoài biện pháp thông thường là tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, Bắc Kinh còn có một vũ khí quan trọng là các khoản nợ của Mỹ. Ước tính hiện nay, có tới 2/3 trong tổng số quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá khoảng 2.270 tỉ USD của Trung Quốc là những tài sản định giá bằng USD và các trái phiếu của chính phủ Mỹ. Đang là con nợ lớn nhất của Trung Quốc, chắc chắn Mỹ chẳng thể muốn làm gì thì làm.

Theo Luật Thương mại của Mỹ, Bộ Tài chính có quyền áp đặt mức thuế cao, thậm chí tới 20%, đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu xác định Bắc Kinh thao túng chính sách tiền tệ. Thời điểm 15-4 đang đến gần. Chẳng biết ai đúng ai sai nhưng có một nguy cơ hiển hiện là nếu hai người khổng lồ Mỹ, Trung Quốc quyết đấu với nhau thì nạn nhân chính sẽ là nền kinh tế thế giới vốn còn đang rất yếu ớt sau cơn trọng bệnh suy thoái.

Hoàng Sơn