Cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc đằng sau lệnh cấm với Huawei

ANTD.VN - Dù Chính phủ Mỹ thông báo tạm thời nới lỏng một số hạn chế trong lệnh cấm với Tập đoàn Huawei của Trung Quốc trong vòng 90 ngày, nhưng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc sẽ không thể giảm bởi đây là cuộc chiến giành quyền bá chủ giữa hai siêu cường. 
 

Huawei đang rơi vào thế bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc 

Theo Bộ Thương mại Mỹ, cho tới giữa tháng 8-2019, Huawei tiếp tục được mua hàng của Mỹ nhằm duy trì mạng hiện tại và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho các sản phẩm di động của Huawei đang hoạt động. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép.

Phải chăng động thái này là “quân bài mặc cả” mà Washington đưa ra nhằm buộc Bắc Kinh phải có nhượng bộ trong vòng đàm phán thương mại sẽ diễn ra tại Trung Quốc trong thời gian tới? Nhiều người dự báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “buông tha” cho Huawei, như cách ông bỏ trừng phạt với Tập đoàn ZTE của Trung Quốc hồi năm ngoái, khi nhận được nhượng bộ thương mại từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu theo dõi diễn biến vụ mắc mớ của Huawei với Mỹ trong thời gian dài thì có thể thấy câu chuyện sẽ không đơn giản như vậy. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố xây dựng các kế hoạch để nước này có thể giành được vị thế thống trị trong các ngành công nghệ cao then chốt trước năm 2025, trong con mắt của Washington, chiến lược này của Bắc Kinh đáng báo động.

Theo thời gian, những lo ngại của Mỹ về nguy cơ bị bỏ lại phía sau Trung Quốc trong cuộc đua phát triển công nghệ cứ lớn dần, mà câu chuyện thành công của Huawei là bằng chứng rõ ràng nhất. Năm ngoái, Huawei đã đạt doanh thu 105 tỷ USD, cao hơn cả Tập đoàn máy tính IBM của Mỹ. Hiện nay, Huawei là doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về cung cấp công nghệ hỗ trợ triển khai mạng không dây 5G. So với đối thủ cạnh tranh Nokia và Ericsson, Huawei có quy mô lớn hơn, khả năng cung cấp công nghệ nhanh hơn và rẻ hơn. 

Nếu cứ chậm chân, Mỹ sẽ thua trong cuộc đua triển khai mạng 5G - thế hệ kết nối không dây cực nhanh ngay trong lòng nước Mỹ, và xa hơn là toàn bộ lĩnh vực công nghệ. Trong bối cảnh đó, những cảnh báo của giới tình báo Mỹ rằng Huawei đang gây ra mối đe dọa an ninh với Mỹ do thực hiện hành vi do thám dựa trên các mạng lưới công nghệ mà tập đoàn này vận hành chỉ là cái cớ thuận lợi để Washington phát động cuộc “chiến tranh lạnh công nghệ” với Bắc Kinh. 

Không có “tội danh” cụ thể nào của Huawei được đưa ra để giải thích cho sự giận dữ và đòn trừng phạt nặng nề mà Washington giáng vào tập đoàn này. Bởi vì Huawei đang rơi vào thế bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc. Những rủi ro đang xuất hiện ngày càng lớn với Huawei, khi nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thông báo sẽ cắt đứt quan hệ với Huawei do lệnh cấm của chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Điều này đặt ra mối đe dọa nguy hiểm cho Huawei vì việc không thể tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ cần thiết, khiến người tiêu dùng không muốn mua điện thoại Huawei.

Tất nhiên, quyết định cấm vận Huawei của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây thiệt hại nặng nề tới nguồn doanh thu của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Theo thống kê, riêng năm 2018, Tập đoàn Huawei đã mua lượng linh kiện trị giá 70 tỷ USD từ 13.000 nhà cung cấp. Trong đó có tới khoảng 11 tỷ USD được chi trả cho các sản phẩm nhập khẩu từ hàng chục doanh nghiệp điện tử tại Mỹ, bao gồm chip máy tính từ Qualcomm (QCOM) và Broadcom (AVGO), cũng như Microsoft (MSFT) và Google (GOOGL) Android.

Bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể sớm được giải quyết như Tổng thống Mỹ Trump nhận định. Vài biện pháp nới lỏng cũng không đưa được Huawei ra khỏi tầm ngắm của Mỹ. Bởi đây không phải là cuộc đua cùng thắng, mà là cuộc chiến sinh tử.