Crimea tuyên bố gia nhập Nga, Ukraine đòi chia tài sản từ thời Liên Xô

ANTĐ - Ngày hôm nay, sau khi quốc hội Crimea tuyên bố gửi đơn xin sát nhập vào Nga thì chính phủ Ukraine cũng quyết định chuẩn bị cơ sở pháp lý để đòi Nga trả lại những phần tài sản được chia sau khi Liên Xô giải thể.

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk vừa ủy thác cho Bộ Ngoại giao nước này chuẩn bị cơ sở lập trường pháp lý để “bảo vệ lợi ích quốc gia”, theo nội dung phân chia các phương tiện và tài sản của Liên bang Xô viết.

Cuộc họp của Chính phủ Ukraine đã vạch ra rằng, nước này đã không ký vào thỏa thuận phân chia tài sản với Nga. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, việc phân chia tài sản của Liên Xô vẫn chưa hoàn thành. Thủ tướng Yatsenyuk cho rằng, Ukraine có quyền sở hữu những tài sản còn lại ở Nga.

Khi Liên bang Xô-viết tan rã, theo các điều khoản của Công ước Vienna năm 1983, phân định tỷ lệ của từng quốc gia trên cơ sở phân tích đóng góp và phần của các nước Cộng hòa được phân chia như sau: Nga được 61,34 %, Ukraine được chia 16,37%, Belarus có 4,13%, Uzbekistan nắm 3,27%, Kazakhstan chiếm 3,86%, Gruzia được 1,62%, tiếp theo ít dần đến Estonia với 0,62%.

Sau đó đã thông qua quyết định ký thỏa thuận về "phương án 0", theo đó Nga cần phải trả các khoản nợ nước ngoài của Liên Xô, đổi lại sẽ được nhận toàn bộ tài sản của Liên bang.

Crimea tuyên bố gia nhập Nga, Ukraine đòi chia tài sản từ thời Liên Xô ảnh 1

Ukraine hiện đang nắm giữ 46 ICBM lắp đặt trên tàu hỏa RT-23 Molodets


Năm 1994, Nga và Ukraine đạt thỏa thuận tương tự, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hiệu lực, bởi Ukraine hai lần từ chối phê chuẩn văn kiện.

Năm 1997, Verkhovnaya Rada (Quốc hội Ukraine) đã thông qua nghị quyết "Về thủ tục phê chuẩn thỏa thuận”, trong đó phía Ukraine yêu cầu Matxcơva cung cấp thông tin về thực trạng dự trữ vàng, kim cương và số dư quỹ ngân hàng của Liên Xô ở thời điểm 1-12-1991.

Về quốc phòng, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine được thừa hưởng một số lượng lớn các trang bị khí tài hiện đại từ Liên Xô. Bên cạnh đó, rất nhiều phòng thiết kế, nhà máy sản xuất vũ khí lớn của Liên Xô nằm trong lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, họ còn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Cụ thể khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm giữ 220 tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong đó có 130 ICBM kiểu cơ động R-36 (NATO gọi là SS-18 Satan, tầm bắn 16.000km), 46 ICBM lắp đặt trên tàu hỏa RT-23 Molodets (NATO gọi là SS-24 Scalpel, tầm bắn 10.000km), 25 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 19 chiếc Tu-160, 1.080 tên lửa hành trình tầm xa cùng 1.900 đầu đạn hạt nhân.