Covid-19: Không ai được an toàn, cho đến khi tất cả đều an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo số liệu mới nhất từ Our World in Data của trường Đại học Oxford (Vương quốc Anh), hơn 60% trong số 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong nửa đầu tháng 5-2021 ở châu Á.
Hơn 60% trong số 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong nửa đầu tháng 5-2021 ở châu Á

Hơn 60% trong số 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong nửa đầu tháng 5-2021 ở châu Á

Nhiều biến thể lây nhiễm hình thành nhiều “điểm nóng”

Virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó đang bùng phát khắp châu Á. Các ca bệnh tăng vọt lần đầu tiên ở Thái Lan, Campuchia và Lào và trở lại với số lượng chưa từng thấy trong nhiều tháng qua ở Singapore, Malaysia và Nhật Bản, nơi đang chịu áp lực từ các nhân viên y tế và lãnh đạo doanh nghiệp yêu cầu hủy bỏ Thế vận hội Olympics 2021, dự kiến diễn ra tại Thủ đô Tokyo vào tháng 7-2021. Theo số liệu mới nhất từ Our World in Data của trường Đại học Oxford (Anh), hơn 60% trong số 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong nửa đầu tháng 5 là ở châu Á.

Sự bùng phát mới của đại dịch Covid-19 lại làm con đường phục hồi toàn cầu dài thêm, ngay cả ở các quốc gia như Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại. Những hạn chế của việc kiểm soát biên giới, vốn được triển khai khắp châu Á và nay được nới lỏng ở Mỹ và châu Âu, đã được chỉ ra. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Dale Fisher thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Đó là một đại dịch. Dần dần, các kiểm soát biên giới sẽ phải được dỡ bỏ”.

Các biện pháp hạn chế xã hội và sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng, đặc biệt khi có nhiều biến thể lây nhiễm hơn của virus Corona xuất hiện từ các “điểm nóng” lớn như Ấn Độ. Tuy nhiên, chuyên gia Dale Fisher cho biết cách duy nhất để ngăn chặn các mối đe dọa mới - và đạt được khả năng miễn dịch theo đám đông - là tiêm phòng trên diện rộng: “Mức độ cuối cùng của đại dịch là khả năng tiêm phòng cao để quản lý những gì sẽ là một dịch bệnh đặc hữu và có thể diễn ra theo mùa”.

Thế nhưng, phần lớn vaccine Covid-19 đang được lưu trữ tại các nước giàu có, bao gồm Mỹ và các nước ở châu Âu. Các chuyên gia cho biết, việc để hàng triệu người không được tiêm chủng tại các trung tâm đô thị đông đúc với hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các biến thể gây đột biến và kéo dài đại dịch.

Vật lộn xoay xở vaccine Covid-19

“Thế giới cần nhận ra rằng, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn” - ông Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết. “Tại thời điểm này, Mỹ trông rất tuyệt, nhưng nếu xuất hiện một biến thể đột biến, nó cuối cùng sẽ đến Mỹ . Đây là chu kỳ của một đại dịch. Bạn phải đảm bảo mọi người được an toàn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phân phối vaccine một cách công bằng” - ông Abhishek Rimal cho biết từ Kuala Lumpur, Thủ đô Malaysia, nơi đã thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 3 vào tháng trước.

Không chỉ các nước nghèo ở châu Á đang phải vật lộn để có được liều thuốc. Các quốc gia có thu nhập trung bình như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đang có tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp. Ngay cả một quốc gia giàu có như Nhật Bản, nơi đang trải qua “làn sóng” thứ 4 của bệnh truyền nhiễm, cũng không thể tiêm phòng với tỷ lệ cao như ở các quốc gia có nền kinh tế tương tự khác là Mỹ, các nước châu Âu khác.

Chưa đến 3% dân số 126 triệu người của Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ. Hiroko Fukushima, một người đàn ông 79 tuổi sống một mình ở quận Ehime của Nhật Bản, đã rất mong muốn được tiêm vaccine để con gái út của bà có thể đến thăm bà an toàn khi dự lễ kỷ niệm 7 năm ngày mất của chồng bà. Dù đã gọi hơn 150 lần trong vòng 5 ngày, Fukushima vẫn không nhận được lịch hẹn tiêm phòng. Con gái lớn của bà Fukushima cuối cùng cũng dành được cho mình một mũi tiêm vào tháng 6. Bà Fukushima cho biết: “Đến nay, không ai trong số những người hàng xóm của tôi được tiêm phòng. Rất nhiều người trong số họ sống một mình và không có con cái bên cạnh để giúp đỡ họ”.

Tuần trước, Thủ tướng Yoshihide Suga thông báo rằng, Hokkaido, Okayama và Hiroshima sẽ cùng 6 tỉnh, bao gồm cả Tokyo và Osaka, sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp cho đến cuối tháng 5-2021. 3 quận khác được liệt kê là đang trong tình trạng “gần như khẩn cấp”. Như vậy, các biện pháp này khiến khoảng 70% dân số Nhật Bản bị hạn chế sinh hoạt.

Các bệnh viện ở Nhật Bản cũng bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Ở Osaka, nơi có số ca nhiễm mới hàng tuần cao nhất cả nước, các giường chăm sóc đặc biệt đã gần đầy. Khoảng 15.000-17.000 bệnh nhân được cho là không được chăm sóc y tế và Thống đốc Osaka đã cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong có thể tiếp tục tăng.

Tuần trước, Hiệp hội các bác sĩ bệnh viện ở Nhật Bản kêu gọi Olympic Tokyo 2021 nên được hoãn lại vì đây có thể là cơ hội lưu hành các biến thể có khả năng kháng vaccine. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Nhật Bản cũng đã bày tỏ những lo ngại đó. Tỷ phú sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Hãng điện tử tiêu dùng Rakuten (Nhật Bản) cho biết việc tổ chức Thế vận hội là “nhiệm vụ tự sát” đối với Nhật Bản.

“Các biện pháp hạn chế xã hội và sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng, đặc biệt khi có nhiều biến thể lây nhiễm hơn của virus xuất hiện từ các “điểm nóng” lớn như Ấn Độ. Cách duy nhất để ngăn chặn các mối đe dọa mới - và đạt được khả năng miễn dịch theo đám đông - là tiêm phòng trên diện rộng. Mức độ cuối cùng của đại dịch là khả năng tiêm phòng cao để quản lý những gì sẽ là một dịch bệnh đặc hữu và có thể diễn ra theo mùa”.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Dale Fisher (Trường Đại học Quốc gia Singapore)

“Thế giới cần nhận ra rằng không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Tại thời điểm này, Mỹ trông rất tuyệt, nhưng nếu xuất hiện một biến thể đột biến, nó cuối cùng sẽ đến Mỹ. Đây là chu kỳ của một đại dịch. Bạn phải đảm bảo mọi người được an toàn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phân phối vaccine Covid-19 một cách công bằng”.

Ông Abhishek Rimal (Điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế)