Công lý được thực thi
(ANTĐ) - Dù muộn màng song những nhân vật khét tiếng tàn bạo của Khmer Đỏ cuối cùng sẽ phải đối mặt với công lý khi Toà án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã quyết định truy tố 4 cựu thủ lĩnh cao cấp của chế độ diệt chủng này.
Người dân Campuchia ngày nay vẫn đang đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân bị tàn sát dưới chế độ Khmer Đỏ tàn bạo |
4 thủ lĩnh bị ECCC truy tố ngày 16-9 gồm Nuon Chea (84 tuổi), nguyên “Chủ tịch Quốc hội”; Khieu Samphan (79 tuổi), nguyên “Chủ tịch nước”, Ieng Sary (84 tuổi), nguyên “Bộ trưởng Ngoại giao” và vợ là Ieng Thirith (78 tuổi), nguyên “Bộ trưởng Xã hội”. Theo cáo buộc của ECCC, những thủ lĩnh Khmer Đỏ này phải đối mặt với các tội danh như diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.
Quyết định truy tố 4 thủ lĩnh Khmer Đỏ được xem là bước phát triển tiếp theo của công lý tại Campuchia, quốc gia từng phải hứng chịu nạn diệt chủng khủng khiếp trong thời kỳ chế độ tàn bạo này cầm quyền 1975-1979. Tháng 7 vừa qua, ECCC đã tuyên án 35 năm tù đối với Kaing Guek Eav, biệt danh là “Duch”, tên cai ngục nhà tù Toul Sleng vì phạm tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người.
Tội ác của chế độ Khmer Đỏ cũng như của những tên thủ lĩnh khét tiếng một thời như Pol Pot (đã chết) hay còn sống như Nuon Chea, Khieu Samphan, hay Ieng Sary... đã làm cả thế giới bàng hoàng khi chế độ này bị lật đổ đầu năm 1979. Trong gần 4 năm, người dân Campuchia đã phải rên xiết dưới một trong những chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.
Theo ECCC, khoảng 1,7-2,2 triệu người đã thiệt mạng do bị giết, bỏ đói hoặc do lao động khổ sai dưới chế độ Khmer Đỏ. Trong đó, chiến dịch diệt chủng của Khmer Đỏ đã sát hại tàn bạo 800.000 người dân Khmer, 100.000-400.000 người Chăm cùng số người Việt cho đến nay vẫn chưa được xác định chính xác.
Tội ác tày trời của chế độ Khmer Đỏ đã rõ như ban ngày. Thế nhưng, phải mất tới hơn 3 thập kỷ sau khi chế độ diệt chủng này bị tiêu diệt thì ECCC mới đưa ra xét xử và ra phán quyết đối với thủ phạm đầu tiên cai quản “địa ngục trần gian” Toul Sleng, nơi đã tra tấn và sát hại 15 nghìn người dân Campuchia.
Điều đó cho thấy con đường tới công lý ở Campuchia vô cùng gian nan và phức tạp. Không ít thế lực bên ngoài dính líu tới chế độ Khmer Đỏ trước đây đã gây cản trở, khó dễ không ít đối với việc truy tố và xét xử những tên đồ tể gây ra cái chết cho hàng triệu người dân Campuchia.
Thậm chí có những thế lực còn mưu toan phủ nhận hay đánh tráo lịch sử, trong đó có việc bác bỏ vai trò của Việt Nam trong việc cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Ngày chiến thắng 7-1-1979 lật đổ chế độ Khmer Đỏ bị bọn chúng dựng lên thành ngày Campuchia bị chiếm đóng (?!).
Song sự thật lịch sử là không thể phủ nhận và công lý luôn được thực thi. Tiếp theo gã đồ tể “Duch”, những thủ lĩnh khét tiếng tàn ác một thời của chế độ Khmer Đỏ rồi đây sẽ phải đối mặt và nhận sự trừng phạt của công lý dù thời gian có trôi quan hơn 30 năm.
Hoàng Hà