"Con tàu" Merkel trong "cơn sóng dữ" chính trường Đức

ANTD.VN - Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với những thách thức chính trường lớn nhất kể từ khi lên cầm quyền hơn 10 năm trước bởi những “cơn sóng dữ” hậu bầu cử tại nước Đức.

"Con tàu" Merkel trong "cơn sóng dữ" chính trường Đức ảnh 1Thủ tướng Angela Merkel đang nỗ lực để thuyết phục lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức trong việc sớm đạt được thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh nhằm thoát khỏi thế bế tắc chính trị 

Kết quả cuộc khảo sát YouGov do Hãng thông tấn DPA của Đức công bố trên tờ Thế giới (Die Welt) số ra ngày 27-12 cho thấy, nếu bà Angela Merkel một lần nữa trở thành Thủ tướng Đức, gần một nửa số cử tri nước này sẽ muốn bà kết thúc nhiệm kỳ sớm. Theo đó, có tới 47% số người được hỏi muốn Thủ tướng Angela Merkel từ chức trước năm 2021 - thời điểm nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư liên tiếp của bà kết thúc, cao hơn so với con số 36% trong một cuộc thăm dò khác diễn ra hồi đầu tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, chỉ có 36% số người được hỏi muốn Thủ tướng Angela Merkel kết thúc trọn vẹn nhiệm kỳ 4 năm của bà, thấp hơn so với con số 44% tại thăm dò cách đây 3 tháng.     

Kết quả cuộc khảo sát trên diện rộng do Hãng thông tấn lớn nhất nước Đức cho thấy sự ủng hộ của người dân nước này đối với Thủ tướng Angele Merkel - người lập kỷ lục cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Đức và là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu đang giảm dần. Sự sụt giảm uy tín của Thủ tướng Angela Merkel được cho là do người dân Đức lo ngại về tình trạng bế tắc chính trị tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này kéo dài khi liên Đảng Bảo thủ Liên minh Dân chủ/ Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel chưa thể thuyết phục được Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) về việc tái lập “đại liên minh” cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24-9 vừa qua.  

Trong suốt hơn 3 tháng qua, bà Merkel cùng liên Đảng Bảo thủ CDU/CSU đã rất nỗ lực tiến hành đàm phán nhằm lập một Chính phủ liên minh. Thoạt đầu, sau khi đảng về thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24-9 và SPD từ chối tiếp tục liên minh để thành lập tân Chính phủ, CDU/CSU đã nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán 3 bên với Đảng Xanh (Cánh tả) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với kinh doanh nhằm thành lập một Chính phủ liên minh mới. Tuy nhiên, dù đã tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề, song cuối cùng đàm phán vẫn thất bại do các bên không thể san lấp được những bất đồng sâu sắc về các chính sách nhập cư, khí hậu và vấn đề châu Âu.   

Trong khi đó, SPD tuyên bố từ chối tiếp tục liên minh cầm quyền với CDU/CSU là do muốn thoát khỏi “cái bóng” quá lớn của liên minh Đảng Bảo thủ này nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử tới. Thế nhưng, việc CDU/CSU thất bại trong việc đàm phán lập Chính phủ liên minh với Đảng Xanh và FDP đã gây áp lực buộc SPD phải thay đổi lập trường để đàm phán nhằm lập tân Chính phủ bởi nếu tiếp tục từ chối có thể bị đánh giá là “thiếu trách nhiệm chính trị” đối với sự ổn định của nước Đức và điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của SPD.

Hiến pháp Đức hiện nay không quy định thời hạn để thành lập Chính phủ liên minh sau bầu cử, nhưng Thủ tướng Angela Merkel vẫn kêu gọi “các cuộc đàm phán nhanh chóng hướng tới một Chính phủ ổn định”. Bà Merkel đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của “một nước Đức hành động” trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang dâng cao tại nhiều quốc gia châu Âu nên Đức cùng với Pháp cần phải thể hiện “vai trò trung tâm” trong công cuộc cải cách và thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU).  

Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, một Chính phủ ổn định là “cơ sở tốt nhất” để thể hiện vị thế của nước Đức trên trường quốc tế. Theo thỏa thuận mới nhất, liên Đảng Bảo thủ CDU/CSU và SPD đã nhất trí sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán thăm dò thành lập Chính phủ liên minh từ ngày 7 ngày 12-1-2018. Sau thời hạn này, nếu một Chính phủ liên minh chưa ra đời tại Đức, bà Merkel sẽ còn phải đối mặt với những thách thức còn khó lường hơn nữa.