Chuyên gia pháp y tiếp tục quay lại hiện trường tìm kiếm xác
Hà Lan đã dành ngày 23-7 để tang các nạn nhân xấu số trên chuyến bay MH17. Đích thân Thủ tướng Mark Rutte và các thành viên hoàng gia Hà Lan, có mặt ở sân bay Eindhoven đón thi thể các nạn nhân được chuyển về từ sân bay Kharkov (Ukraine).
Công tác điều tra nguyên nhân tai nạn đã được xúc tiến nhanh hơn: thi thể được chuyển bằng máy bay quân sự về Hà Lan, hộp đen được chuyển đến Anh để phân tích...
Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết, vẫn chưa xác định được có bao nhiêu thi thể đã được đưa đến Kharkov và bao nhiêu thi thể vẫn còn sót lại tại hiện trường vụ rơi máy bay. “Chúng tôi không biết có bao nhiêu thi thể. Có thể vẫn còn nhiều thi thể ở ngoài trời giữa mùa hè ở châu Âu, dễ bị can thiệp và bị hủy hoại do nắng nóng và động vật” - Thủ tướng Abbott nói. Úc đã điều máy bay quân sự Boeing C-17 đến Hà Lan đưa thi thể các nạn nhân Úc về nước.
Binh sĩ Hà Lan đưa quan tài các nạn nhân từ máy bay tới xe tang - Ảnh: Reuters
Trước đó, các điều tra viên của Hà Lan xác nhận, có khoảng 200 thi thể cùng với một số bộ phận thân thể trên chuyến tàu đến Kharkov, trong khi phe ly khai khẳng định gửi đi 282 thi thể. Ông Michael Bociurkiw, người phát ngôn của nhóm quan sát của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OSCE) có mặt tại hiện trường, cáo buộc: “Có nhiều phần thi thể người vẫn chưa được gom lại. Điều khiến chúng tôi sốc là không còn hoạt động tìm kiếm nào ở đây cả”. Chuyên gia pháp y Jan Tuinder tại Kharkov cho biết, họ sẽ phải quay lại hiện trường để tìm kiếm tiếp. “Chúng tôi sẽ không đi cho đến khi tất cả thi thể rời khỏi đất nước này” - ông Tuinder nói.
Các thi thể được giữ lạnh trên 5 toa xe, được chuyển tiếp lên máy bay đến thành phố Eindhoven của Hà Lan ngày 23-7, rồi tiếp tục chuyển đến thành phố Hilversum, cách đó khoảng 100km để nhận dạng. “Các bước chuẩn bị đã được thực hiện tại Kharkov để việc nhận dạng ở Hà Lan diễn ra nhanh hết mức có thể. Khi mỗi nạn nhân được nhận dạng, gia đình họ sẽ được thông báo đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình đó có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng” - thủ tướng Hà Lan cho biết.
Khoảng 1.000 người dân Hà Lan cùng Vua Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima, Thủ tướng Mark Rutte và đại diện các quốc gia có công dân thiệt mạng trong thảm họa MH17, đã tới sân bay Eindhoven để đón các nạn nhân. Tại sân bay, cờ của 17 quốc gia có công dân thiệt mạng được treo rủ.
Các thành viên hoàng gia và chính phủ Hà Lan, bao gồm Vua Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima, và Thủ tướng Mark Rutte có mặt tai sân bay đón các nạn nhân - Ảnh: Reuters
Chuông nhà thờ khắp Hà Lan vang lên ngay khi 2 chiếc máy bay chở 40 thi thể hạ cánh xuống đường băng. Từ đây, các thi thể sẽ được đưa đến căn cứ quân sự ở thị trấn Hilversum, phía đông nam thủ đô Amsterdam. Ở đó các chuyên gia pháp y sẽ bắt đầu quá trình nhận dạng các nạn nhân.
Lần đầu tiên thủ lĩnh phe ly khai thừa nhận sở hữu tên lửa phòng không Buk
Ngày 23-7, một thủ lĩnh ly khai ở đông Ukraine thừa nhận, lực lượng thân Nga sở hữu tên lửa phòng không Buk (SA-11), loại tên lửa đã bắn rơi máy bay MH17.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Alexander Khodakovsky, tư lệnh Tiểu đoàn Vostok ở Donetsk, lần đầu tiên thừa nhận lực lượng ly khai có sở hữu tên lửa Buk. “Tôi biết rằng một hệ thống Buk được đưa đến Donetsk từ Luhansk, do Cộng hoà nhân dân Luhansk cung cấp” - ông Khodakovsky tiết lộ.
“Tôi nghĩ họ đã đưa nó trở lại. Tôi được biết điều đó ngay sau khi biết bi kịch máy bay rơi xảy ra. Họ có thể đã đưa nó trở lại để loại bỏ bằng chứng về sự tồn tại của nó” - ông Khodakovsky khẳng định.
Dù vậy, ông Khodakovsky cho rằng, phía Ukraine đã cố tình khiêu khích phiến quân ly khai, khiến họ sử dụng tên lửa Buk. “Vấn đề là phía Ukraine công bố kịp thời bằng chứng cho thấy chúng tôi sở hữu công nghệ này. Nhưng Ukraine không làm gì để bảo vệ an ninh hàng không, thậm chí khiêu khích khiến chúng tôi sử dụng vũ khí này”.
Thủ lĩnh ly khai Alexander Khodakovsky - Ảnh: Reuters
“Họ biết rằng tên lửa Buk tồn tại, rằng nó đang đi đến Snezhnoye (ngôi làng cách hiện trường máy bay rơi 10 km). Họ biết rằng nó sẽ được triển khai, nhưng vẫn khiêu khích bằng cách không kích một mục tiêu không cần thiết” - ông Khodakovsky cáo buộc.
“Trong ngày hôm đó, họ liên tục triển khai máy bay bay trên bầu trời. Ngay khi máy bay dân dụng bay qua, họ mở cuộc không kích. Kể cả khi chúng tôi bắn tên lửa Buk, thì rõ ràng phía Ukraine đã làm tất cả để đảm bảo rằng chúng tôi bắn vào máy bay dân dụng” - ông Khodakovsky nhấn mạnh.
Trước đó các thủ lĩnh ly khai Donetsk và phía Nga liên tục bác bỏ cáo buộc của Mỹ và Ukraine rằng ly khai sở hữu tên lửa Buk và bắn rơi máy bay MH17. Reuters cho biết, ông Khodakovsky là một trong số ít các thủ lĩnh ở Donetsk là người gốc Ukraine.
Ông Khodakovsky khẳng định, đơn vị của ông không dùng tên lửa Buk, nhưng các nhóm khác có sử dụng. Ông cũng xác nhận, phe ly khai đã chiếm được ba hệ thống Buk của quân đội Ukraine gần sân bay Donetsk, nhưng chúng đều bị hỏng.
“Tôi không nói rằng Nga cung cấp hay không cung cấp loại vũ khí này cho chúng tôi. Nga có thể đã cung cấp tên lửa Buk theo một sáng kiến hoàn toàn của địa phương”. Ông cũng khẳng định mình là người có liên quan đến cuộc xung đột và vụ rơi máy bay đã làm ông vô cùng đau đớn.
Tuy nhiên sau đó các hãng tin Nga khẳng định, ông Khodakovsky đã bác bỏ nội dung nói với Reuters. Kênh truyền hình Life News của Nga dẫn lời ông Khodakovsky tuyên bố, ông bị “trích dẫn sai” và chỉ “thảo luận các kịch bản” với Reuters.