Cơ sở nào để Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng cho các ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.

Một số ngân hàng vừa được chấp thuận “nới room” tín dụng, song Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Phải kiểm soát nguy cơ rủi ro

Thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban hồi đầu năm, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%.

Đi kèm việc “nới room”, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Cụ thể, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.

Chấp hành quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ngoại hối, quản trị rủi ro, kiểm soát nợ xấu;

Tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, thực hiện htaamr định khách hàng chặt chẽ trước cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát khách hàng vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế phất sinh nợ cần chú ý, nợ xấu;

Rà soát các hoạt động cấp tín dụng, lĩnh vực để phân bổ cho phù hợp, đảm bảo không tập trung tín dụng vào một, một số khách hàng, lĩnh vực, ngành nghề nhằm ngăn ngừa tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

Ngan hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán...; giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

Một số ngân hàng đã chính thức được NHNN nới “room” tín dụng

Một số ngân hàng đã chính thức được NHNN nới “room” tín dụng

Các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 9% trở lên tại mọi thời điểm.

Đồng thời, cần kiểm soát các rủi ro trong hoạt động, đặc biệt là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Phải cam kết thực hiện các giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng chi tiết gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 30/7/2021.

Cơ quan quản lý cho biết, trong quá trình theo dõi, giám sát, nếu phát hiện các ngân hàng này có vấn đề bất thường tiềm ẩn rủi ro, không tuân thủ chỉ đạo của NHNN, NHNN sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trường tín dụng.

Ưu tiên các ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Trước đó, đầu năm nay, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần 1 đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp room từ 6,5% đến 7,5%, riêng Vietcombank được giao 10%. Hạn mức tín dụng của một số ngân hàng thương mại như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%; MB, Techcombank là 10,5-12%...

Tuy nhiên đến tháng 6, một số ngân hàng đã “cạn room” tín dụng và đề nghị được NHNN nới chỉ tiêu. Như tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc cho biết, đầu năm Ngân hàng được giao 10% nhưng đến nay đã tăng trưởng 9%. Do đó, việc được nới “room” là cần thiết để ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ khách vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Về phía cơ quan quản lý, NHNN khẳng định, cơ quan quản lý điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.

“Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD; ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân” – NHNN cho hay.