Cổ phiếu Vietnam Airlines thoát diện cảnh báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên 2023, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định về việc đưa cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) ra khỏi diện cảnh báo, từ ngày 26/12.

Lý do là do Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.

Trước đó, HVN bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 do chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Thời điểm đó, Vietnam Airlines chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông do chưa hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Cổ phiếu Vietnam Airlines được đưa ra khỏi diện cảnh báo

Cổ phiếu Vietnam Airlines được đưa ra khỏi diện cảnh báo

Trong văn bản xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính, Vietnam Airlines cho biết, cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.

Ngoài ra, trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng công ty đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hoá dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán.

Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán.

Tuy nhiên, đề nghị này của Vietnam Airlines không được HoSE chấp nhận và cổ phiếu HVN bị đưa vào diện cảnh báo.

Dù hiện tại đã thoát khỏi diện cảnh báo, nhưng hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả 3 điều kiện, gồm: kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục; tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề này tại đại hội cổ đông thường niên hôm 16/12, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đại dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và hàng không, đây là tình huống rất khách quan.

“Tôi tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trên một cách khách quan, cẩn trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán”, ông Hiền nói.

Quý III, doanh thu thuần của Vietnam Airlines tăng 2.413 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 11% đạt mức 23.569 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cũng ở mức cao 22.329 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp còn 1.240 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 1.370 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.

Khấu trừ đi các khoản thuế phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế quý III lên đến 2.203 tỷ đồng. Tuy vậy khoản lỗ này đã có cải thiện so với con số lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.