Cơ hội bấp bênh

(ANTĐ) - Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đang tỏ rõ tham vọng muốn trở thành vị Chủ tịch thường trực đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) song đang gặp phải những thách thức không nhỏ.

Cơ hội bấp bênh

(ANTĐ) - Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đang tỏ rõ tham vọng muốn trở thành vị Chủ tịch thường trực đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) song đang gặp phải những thách thức không nhỏ.

Ông T.Blair - ứng cử viên sáng giá của chức Chủ tịch thường trực đầu tiên của EU

Ông T.Blair - ứng cử viên sáng giá của chức Chủ tịch thường trực đầu tiên của EU

Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực từ 1-12 tới sẽ mang lại nhiều thay đổi cơ bản với EU. Một trong những thay đổi lớn nhất là chức Chủ tịch EU mang tính “mặt trận” trước đây sẽ được thay thế bởi một vị Chủ tịch thường trực nhiều uy quyền hơn, có nhiệm kỳ 2,5 năm được các thành viên bầu trực tiếp và có thể liên nhiệm.

Vì thế, nhiều chính khách tên tuổi ở châu Âu đang mong muốn được trở thành Chủ tịch thường trực đầu tiên của EU. Trong số đó có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair hiện là Đặc phái viên Trung Đông của LHQ.

Thoạt đầu với danh tiếng và thành tích chính trường của mình, ông Blair được xem là một trong các ứng cử viên nặng ký nhất. Nhận thấy cơ hội của ông Blair, đương kim Thủ tướng Anh Gordon Brown đã vận động nhiệt tình cho người tiền nhiệm ngay tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 29-10 vừa qua.

Nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm các thành viên EU cũng bày tỏ sự ủng hộ với ông Blair, trong đó có “tiếng nói trọng lượng” của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. Những người ủng hộ tin rằng với tầm cỡ của mình, ông Blair có thể “nói chuyện một cách bình đẳng” với các cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Thế nhưng, càng sát tới ngày các nhà lãnh đạo EU bầu ra vị Chủ tịch Thường trực đầu tiên của liên minh sau hơn nửa thế kỷ thành lập thì cơ hội của ông Blair lại càng ít đi. Dư luận EU cho rằng ông Blair không thích hợp cho cương vị Chủ tịch thường trực của liên minh bởi ông đã ủng hộ quá mạnh cuộc chiến Iraq, cũng như Anh không sử dụng đồng tiền chung và không tham gia khu vực miễn thị thực Schengen của châu Âu.

Trong khi đó trong EU lại đang nổi lên các ứng cử viên sáng giá khác được dư luận chung cho rằng thích hợp hơn ông Blair. Đó là cựu Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing, cựu Thủ tướng Italia cựu Chủ tịch ủy ban EU (EC) Romano Prodi hay đương kim Thủ tướng Bỉ Herman Van Rombuy.

Cảm nhận cơ hội đang mất dần, ông Blair đã bước vào cuộc vận động cho chức Chủ tịch thường trực EU đầu tiên. Những ngày qua, ông Blair đã nói chuyện trực tiếp hoặc liên lạc với một loạt nhà lãnh đạo châu Âu để tìm hiểu về cơ hội thực sự của bản thân. Theo tờ The Times (Anh), ông Blair đã có các cuộc nói chuyện nghiêm túc với Chủ tịch EC José Manuel Barroso, Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende là những người cũng đang có ý định chạy đua vào chức Chủ tịch EU.

Theo giới quan sát, cơ hội trở thành Chủ tịch EU của ông Blair hiện được xem là 50-50. Người nắm giữ vai trò quan trọng nhất vào lúc này là Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn đã tỏ ý không ủng hộ ông Blair. Nếu ông Brown thuyết phục được bà Merkel thay đổi lập trường vào phút chót thì cơ hội sẽ trở nên sáng rõ với ông Blair.

  Hoàng Hà