Có đề án quản lý, tiền ảo có được công nhận là một loại tiền tệ?

ANTD.VN - Dù Đề án quản lý tiền ảo đã được phê duyệt nhưng điều này không đồng nghĩa tiền ảo sẽ được công nhận là hợp pháp tại Việt Nam.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Mục đích đề án nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của Việt Nam, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Có đề án quản lý, tiền ảo có được công nhận là một loại tiền tệ? ảnh 1Sẽ khó có khả năng tiền ảo Bitcoin được công nhận là một loại tiền tệ

Chưa được công nhận là tiền tệ

Theo Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp cùng một số Bộ, ban ngành rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8-2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; tháng 6-2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9-2019.

Khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này và đã khẳng định Bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm này. 

Đề án cũng nêu rõ quan điểm cần xây dựng thể chế để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của Việt Nam nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ngay khi Đề án được phê duyệt, nhiều người cho rằng, loại tiền này sẽ sớm được Nhà nước công nhận. Theo các chuyên gia, trước tình hình kinh doanh đa cấp tài chính xuyên quốc gia ngày càng phức tạp và biến tướng tinh vi thì việc xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền ảo nhằm ngăn chặn rủi ro, ổn định an ninh tài chính là cần thiết. Trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa tiền ảo sẽ được công nhận là một loại tiền tệ. 

Quản lý như thế nào?

Theo chuyên gia kinh tế, luật sư Bùi Quang Tín, CEO trường Doanh nhân Bizlight, việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Ngoài ra, việc giao dịch bằng tiền ảo mang tính ẩn danh nên có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ. 

Trước đó, ngay khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này và đã khẳng định Bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm này. 

Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với những loại tiền như Bitcoin, nên coi là tiền điện tử vì nó được hình thành từ kỹ thuật số và trên thực tế đã có giá trị rồi. Ông cũng đề xuất hai hướng quản lý, hoặc là cấm hoặc là chấp nhận như một loại hàng hóa.

“Trong trường hợp cấm thì đương nhiên những người chơi sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Trên danh nghĩa chúng ta có thể kiểm soát được sự bành trướng của nó, nhất là không cho phép đồng tiền này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho các hành vi phi pháp, tham nhũng và rửa tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thống ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Vì vậy, vị chuyên gia này cho biết, ông nghiêng về phương án chấp nhận tiền điện tử như một loại hàng hóa, tức là, không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, nhưng có thể chấp nhận việc những người chơi giao dịch, trao đổi với nhau. 

Tuy nhiên, việc chấp nhận tiền điện tử như một loại hàng hóa cũng cần thận trọng, bước đầu nên tập trung xây dựng quy chế, chế tài quản lý cho một loại phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất như Bitcoin. Sau khi thử nghiệm sẽ tiếp tục xem xét để có thể chấp nhận những đồng tiền khác. Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng những quy định để cho phép những sàn giao dịch tiền điện tử ra đời với yêu cầu công ty đó phải đăng ký, phải có vốn tự có, chứng minh được khả năng tài chính, từ đó sẽ quản lý tất cả các giao dịch qua những sàn này.

“Việc sở hữu, mua bán, sử dụng 

Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Ngoài ra, việc giao dịch bằng tiền ảo mang tính ẩn danh nên có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ”.

Luật sư Bùi Quang Tín (Chuyên gia kinh tế, CEO trường Doanh nhân Bizlight)