Có công mài sắt, sao chẳng nên kim?

(ANTĐ) - Sau 18 năm vừa tự học vừa làm thuê, Đằng Chấn Quốc (ảnh), một người đàn ông 42 tuổi ở Hà Nam, Trung Quốc đã lấy được bằng thạc sỹ, nhưng kết cục không giống như anh tưởng tượng: vẫn thất nghiệp, cuộc sống gia đình thì ngày càng khó khăn hơn và bắt đầu rạn nứt.

Có công mài sắt, sao chẳng nên kim?

(ANTĐ) - Sau 18 năm vừa tự học vừa làm thuê, Đằng Chấn Quốc (ảnh), một người đàn ông 42 tuổi ở Hà Nam, Trung Quốc đã lấy được bằng thạc sỹ, nhưng kết cục không giống như anh tưởng tượng: vẫn thất nghiệp, cuộc sống gia đình thì ngày càng khó khăn hơn và bắt đầu rạn nứt.

Giấc mơ đại học

Sau 2 lần thi trượt đại học năm 1988-1989, Đằng Chấn Quốc, người được học hành tử tế duy nhất trong gia đình 6 anh em ở một ngôi làng nhỏ vùng quê Nhữ Châu, Hà Nam quyết tâm ôn thi tiếp vì “không can tâm làm ruộng suốt đời”.

Lần thi thứ 3, anh không chỉ thi đỗ mà còn thừa 15 điểm so với chuẩn, nhưng nhà trường lấy lý do chưa đăng ký rõ nguyện vọng nên không chấp nhận tuyển sinh. “Sự việc ấy làm tôi thất vọng cực điểm, gần như không còn chút lòng tin vào cuộc sống”, Đằng Chấn Quốc nhớ lại. Mấy tháng sau đó, anh trốn trong nhà, không dám nhìn mặt ai. Trong con mắt người dân nông thôn, Đằng Chấn Quốc là “con mọt sách” vô tích sự, không làm ruộng được, thi cử cũng không xong. Nhiều năm học trong điều kiện thiếu ánh sáng, Đằng Chấn Quốc bị cận thị nặng, nhưng mỗi khi ra đường, anh không dám đeo kính vì sợ bị dân làng chế giễu.

Năm 1995, bố Chấn Quốc ốm liệt giường, trước khi chết bày tỏ nguyện vọng muốn thấy con trai lập gia đình. Chấn Quốc vì thế kết hôn với một cô gái do người thân giới thiệu. Để nuôi được vợ, Chấn Quốc bắt đầu làm những việc nặng nhọc hơn: dọn vệ sinh, bốc xếp, phụ hồ, xây dựng, việc gì cũng nhận, nhưng không được lâu nên điều kiện gia đình khá eo hẹp. Sau khi cưới không lâu, Chấn Quốc lấy được bằng tốt nghiệp đại học từ xa, song vẫn không thể tìm được một công việc cố định.

Năm 1996, một đứa con ra đời, áp lực cuộc sống càng nặng nề hơn. Năm 2002, Đằng Chấn Quốc để vợ con ở nhà, theo một số lao động nông thôn khác ra thành phố tìm việc. Trong khi những người khác đi làm thợ, Chấn Quốc may mắn hơn khi được nhận vào làm tại phòng quản lý khu giảng đường thuộc Trung tâm nghiệp vụ, công ty phục vụ hậu cần, Học viện sư phạm kỹ thuật Giang Tây với mức lương khởi điểm 540NDT/tháng (1,5 triệu VNĐ) cho việc bảo vệ khu nhà và bật tắt thiết bị kỹ thuật. 1 năm sau, vợ Chấn Quốc cũng được nhận vào đây làm quét dọn với mức lương hơn 400NDT.

Không thấy tương lai

Cuộc sống dần đi vào ổn định, nhưng ý nghĩ “không an phận” bắt đầu nảy sinh trong Chấn Quốc. Năm 2003, anh ôn thi vào Đại học sư phạm Nam Kinh. Năm 2004, biết tốt nghiệp đại học từ xa cũng có thể thi cao học, anh thay đổi kế hoạch, dự định trong vòng 5 năm sau đó sẽ lấy được bằng cao học. Trong căn phòng thuê trọ chưa đầy 10m2, anh vùi đầu vào sách vở. Năm 2005, Chấn Quốc thi cao học Đại học Hải Nam, thất bại.

Năm 2006, anh lại thi vào khóa cao học chuyên ngành Triết học Đại học Sư phạm Trùng Khánh, lần này thi đỗ. Suốt 1 thời gian sau đó, Chấn Quốc trở thành người nổi tiếng. Ở thành phố quê hương, anh được bầu làm 1 trong “10 thanh niên tiên tiến”, “10 nhân vật đặc biệt” của giới truyền thông. Câu chuyện của anh còn được cải biên thành tiểu phẩm biểu diễn trong Dạ hội mừng năm mới của Nhữ Châu năm đó.

Sau những ánh hào quang, cuộc sống của Chấn Quốc vẫn cực kỳ chật vật. Vì không muốn bỏ lỡ cơ hội được học ngàn vàng này, Chấn Quốc gần như bỏ hết mọi việc làm thêm. Sinh hoạt phí mỗi tháng cần 600NDT, còn tiền học của con trai, tất cả đều chờ vào khoản lương quét dọn của vợ. Năm 2009, 6 tháng trước khi tốt nghiệp, anh cùng các bạn học bắt đầu đi tìm việc với hy vọng cháy bỏng nhưng nơi nào cũng bị từ chối với lý do tuổi đã quá cao.

Đến khi cầm trong tay tấm bằng thạc sỹ, Chấn Quốc phát hoảng thực sự. Tháng 8-2010, anh đành quay về Học viện sư phạm kỹ thuật Giang Tây, chấp nhận làm chân bảo vệ. Quay về xuất phát điểm, cái đợi chờ anh còn là một gia đình sắp sửa tan vỡ.

Bảo Trâm

(Theo Sina)