Chuyến tàu y tế chuyên dụng duy nhất ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hôm đó là 10h sáng một ngày tháng 7-2022, một đoàn tàu vừa vào ga ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Khi cánh cửa của một trong những toa tàu mở ra, nhân viên y tế trên sân ga nhẹ nhàng nhấc hai thanh niên xuống cầu thang và đưa lên cáng. Một ngày trước đó, cả hai người đàn ông đều bị thương do một vụ nổ bom ở thành phố Bakhmut, miền Đông Donbass, nơi giao tranh ác liệt với lực lượng quân đội Nga.
Người bị thương ở vùng chiến sự miền Đông Donbass được đưa lên tàu chuyển về miền Tây Ukraine chữa trị

Người bị thương ở vùng chiến sự miền Đông Donbass được đưa lên tàu chuyển về miền Tây Ukraine chữa trị

Cùng xuống tàu là bác sĩ Nataliia Kyniv, 35 tuổi. Cô đã làm việc suốt 17 tiếng đồng hồ kể từ khi nhóm bệnh nhân được chuyển đến từ các thành phố tuyến đầu. Là thành viên của tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế Bác sĩ Không Biên giới (MSF), Kyniv đã chăm sóc những người bị bệnh và bị thương trong các đợt sơ tán y tế bằng đường sắt diễn ra hàng tuần kể từ ngày 23-3. MSF hiện đang điều hành chuyến tàu y tế chuyên dụng duy nhất ở Ukraine, chuyên chở bệnh nhân từ các bệnh viện ở miền Đông hỗn loạn đến các bệnh viện ở miền Tây được coi là an toàn hơn. Các toa tàu đã được dỡ bỏ ghế ngồi, thay vào đó là giường nằm, máy oxy, các thiết bị y tế và một đơn vị chăm sóc đặc biệt. “Hôm nay, chúng tôi phải bỏ lại một phụ nữ ở Dnipro trước khi đến được đây vì cô ấy đã mất quá nhiều máu”, bác sĩ Kyniv nói, khi nhắc đến thành phố ở miền Đông Ukraine, cách tiền tuyến gần nhất khoảng 240km. Quyết định được đưa ra trên đường đi, khi các bác sĩ nhận ra rằng, ca phẫu thuật bàn chân của người phụ nữ không thể chờ đợi cho đến khi họ đến Lviv.

Kyniv nhớ rất rõ một số bệnh nhân mà cô đã gặp trên chuyến tàu gần đây, tất cả đều đến từ Donbass. “Có một người phụ nữ đến từ Mariupol bị thương nặng ở mặt, bị hỏng mắt. Một số trẻ em từ Kramatorsk đã bị mất tứ chi vì một cuộc tấn công bằng tên lửa. Mỗi bệnh nhân lên tàu đều đã mất mát nhiều, người thì mất nhà, người thì mất người thân trong gia đình. Nữ bác sĩ cũng đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc dịu dàng, như khi bệnh nhân lo lắng rằng, họ không thể mang theo vật nuôi và vui mừng khôn xiết khi biết rằng động vật được phép đưa lên tàu. “Vâng, chúng tôi đưa đón tất cả mọi thứ”, nữ bác sĩ cười.

MSF hoạt động dựa trên thông tin từ Bộ Y tế Ukraine nhằm làm giảm căng thẳng tốt nhất cho hệ thống y tế. Chạy ngược xuôi, đến nay đoàn tàu đã sơ tán hơn 1.000 người nguy kịch cần điều trị. Bên cạnh việc chuyển tuyến cho các bệnh nhân bị thương do chiến tranh, MSF còn tiếp nhận nhiều người mắc bệnh mãn tính, một phần lớn là người cao tuổi.

Trên khắp Ukraine, tình hình bệnh viện rất bấp bênh. Vào tháng 7, Chính phủ nước này tuyên bố rằng, 123 cơ sở y tế đã bị phá hủy hoàn toàn, trong khi 746 cơ sở khác cần được sửa chữa. Ngay từ đầu cuộc xung đột, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các bệnh viện ở Ukraine phải vật lộn với sự sụp đổ của các dịch vụ y tế thiết yếu do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, từ thuốc quan trọng đến bình dưỡng khí. Tại Lviv ở miền Tây, tình hình tương đối yên bình hơn. Giống như những bệnh nhân khác, hai người đàn ông rời khỏi chuyến tàu MSF sẽ được đưa đến bất kỳ bệnh viện nào có khả năng tiếp nhận và điều trị cho họ. Một trong số đó là Bệnh viện Lâm sàng Khu vực Lviv. Hàng trăm bệnh nhân trong nước đã nhập viện này kể từ tháng 2-2022.

Tại khu phẫu thuật cấp tính và cấp cứu, 80% bệnh nhân hiện tại không phải là cư dân Lviv. Họ đến đây vì không thể tìm được nơi chữa trị tại quê nhà. Ông Ivan Vasylovych, 72 tuổi, là một trong những bệnh nhân như vậy. Sau nhiều tháng chờ đợi, ông đã được chuyển từ quê hương Sloviansk, một trong những thành phố cuối cùng ở Donbass do Ukraine quản lý, đến Lviv, cùng với vợ. Hai vợ chồng ông vẫn hy vọng được về nhà nhưng thông tin mới nhất cho thấy, Sloviansk hiện đang bị tên lửa tấn công hàng ngày và chỉ 1/5 dân số của thành phố đã chọn ở lại.

Bác sĩ phẫu thuật Yuriy Mikhel, 64 tuổi tại Bệnh viện Lâm sàng Khu vực Lviv cho biết, bệnh viện may mắn không gặp phải tình trạng thiếu hụt vật tư y tế nhờ sự giúp đỡ của các nước châu Âu. Tuy nhiên, ông luôn lo ngại có ngày bệnh viện có thể bị tấn công. “Tôi yêu công việc của mình rất nhiều. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm việc, bất kể bom đạn có xảy đến hay không”, ông Yuriy Mikhel khẳng định.