Chuyên nghiệp... không giống ai

ANTĐ - Khác với sự háo hức đón xem những cuộc chạm trán nảy lửa giữa các đội bóng mạnh như Hà Nội T&T, Bình Dương, Đà Nẵng hay SLNA, V-League 2015 cho thấy niềm tin của người hâm mộ ngày càng nhạt nhòa. 

Chuyên nghiệp... không giống ai ảnh 1V-League ngày càng mất giá trong mắt người hâm mộ. Ảnh: Bảo Lâm

Chuyên môn kém, niềm tin chạm đáy

Cái cách Bình Dương “một mình một ngựa” về đích khi mà hầu hết các đối thủ đều “sợ” vô địch (đồng nghĩa phải móc hầu bao chi thưởng), hay cách cầu thủ ĐTLA cố tình thua  trong trận gặp Đà Nẵng để “dằn mặt” lãnh đạo đội bóng vì chậm rải ngân tiền thưởng, cho thấy yếu tố chuyên môn, màu cờ sắc áo CLB không còn được coi trọng ở giải đấu mang danh chuyên nghiệp.

Trong khi những trận đấu chuyên môn tốt ngày càng hiếm hoi thì V-League 2015 lại nở rộ những trận đấu bị nghi ngờ tiêu cực. HLV Trần Bình Sự của Đồng Nai - đội bóng vừa tụt hạng, hơn một lần “tố” các đội bóng bắt tay nhau để giúp HAGL trụ hạng. Không những thế, hết CĐV Hải Phòng, đến khán giả Nghệ An, rồi người hâm mộ Thanh Hóa cũng đều lên tiếng bày tỏ bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra chính đội nhà, do nghi ngờ tiêu cực ở một số trận đấu lượt về. Nhưng bức xúc của những người bỏ tiền mua vé vào sân phải xem kịch chỉ như “muối bỏ bể” trước tuyên bố “không có tiêu cực” một cách thiếu trách nhiệm từ… những người có trách nhiệm. Cùng với đó, những hạn chế trong công tác trọng tài, giám sát, nạn bạo lực sân cỏ càng làm cho người hâm mộ mất niềm tin lẫn hứng thú với giải đấu. 

“Nghiệp dư hóa giải chuyên nghiệp”

Có người đã đầy chua chát khi so sánh giải bóng đá “phủi” Hà Nội với V-League, một bên với tiêu chí “chuyên nghiệp hóa giải phong trào”, còn bên kia thì đang dần tự “nghiệp dư hóa giải chuyên nghiệp” để nói về những chuyện chẳng giống ai ở giải VĐQG. Cái sự “chẳng giống ai” đó đến từ chuyện ông Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh đi làm thay công việc của HLV trưởng, hay như việc đội bóng phải vào phòng thay đồ ở quãng nghỉ giữa 2 hiệp nhưng BTC gọi loa khản cổ cũng không chấp hành, rồi cả chuyện Ban Kỷ luật thảo sẵn tới 2 quyết định kỷ luật để rồi sau đó phạt Quế Ngọc Hải (SLNA) phải chi tiền chữa trị cho Trần Anh Khoa (Đà Nẵng) mà sau này ông Trưởng ban Kỷ luật lý giải rằng “bóng đá Việt Nam nó thế”!?

Ở góc nhìn kinh tế, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng không ngần ngại chỉ ra “V-League tiếng là chuyên nhưng chưa chuyên. Từ bộ máy điều hành giải tới các CLB đều có vấn đề”. Ông Hùng dẫn chứng: “Một CLB hạng Nhất ở Nhật đã có thể sống hoàn toàn bằng tiền CLB làm ra qua bán quảng cáo, áo đấu, vé, bản quyền truyền hình…, trong khi ở V-League chỉ có 1-2 CLB là có thể sống nhờ doanh nghiệp, số còn lại đều ăn bám kinh tế Nhà nước. Cứ thế, từ BTC giải đến các CLB đều phải “chạy ăn từng bữa” tiền tài trợ trước mỗi mùa giải”.