Chuyên gia kinh tế: Người dân, doanh nghiệp đều không muốn điện tăng giá nhưng...

ANTD.VN - Theo các chuyên gia kinh tế, người dân và doanh nghiệp đều không muốn điện tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá điện là cần thiết để cân đối nền kinh tế.

Việc tăng giá điện được đánh giá là cần thiết

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Điều chỉnh giá điện- Nhìn từ nhiều phía” diễn ra ngày 21-3, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay: “Ban đầu tôi khá băn khoăn về việc tăng giá điện nhưng sau khi nghe cách giải thích của ngành điện thì tôi thấy đã đến lúc cần tăng giá điện. Tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn giá điện tăng nhưng cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì đây là việc làm cần thiết”.

Theo chuyên gia kinh tế này, việc tăng giá điện cũng góp phần đưa giá điện theo thị trường, theo yêu cầu của Chính phủ. Về thời điểm, theo ông Cấn Văn Lực là phù hợp vì năm nay, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới không biến động nhiều, áp lực với lạm phát Việt Nam cũng không lớn và vì tăng giá điện đầu năm, Chính phủ còn thời gian để cân nhắc các phương án điều chỉnh kinh tế vĩ mô.

Về mức tăng giá điện 8,36%, ông Cấn Văn Lực cho rằng đã được cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), trước khi điều chỉnh, giá điện Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia. Sau khi điều chỉnh, giá điện tại Việt Nam bằng với các nước nêu trên và bằng 91% giá điện bình quân của nhiều nước trên thế giới.

Bình luận về thông tin này, ông Cấn Văn Lực cho rằng: “Mọi so sánh đều khập khiễng, vì mỗi nước có đặc thù, cách thức sản xuất kinh doanh, văn hóa khác nhau. Mặc dù ông Nguyễn Anh Tuấn nói đã rõ nhưng chúng ta phấn đấu càng thấp hơn càng tốt vì đó là lợi ích cho người dân”.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, vấn đề người dân quan tâm là tổn thất điện năng. “Khách quan mà nói, ngành điện đã có nhiều cải tiến trong thời gian vừa qua. Và mức tổn thất đã giảm. So với các nước là chúng ta đã giảm tổn thất 8-9%.

Tuy nhiên còn phải so sánh thêm với mặt bằng giá cả. Một điểm nữa cần xem xét là cơ cấu nguồn điện của chúng ta như thế nào để chúng ta có thể có một chiến lược phát triển hợp lý nhất về lâu dài, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”- ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty may 10 cho hay, cả người dân và doanh nghiệp, không ai mong muốn tăng giá điện vì sẽ tạo áp lực cho sinh hoạt, sản xuất.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này không tạo bất ngờ cho doanh nghiệp bởi trong thời gian qua, áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng, khả năng cung ứng điện gặp nhiều khó khăn đã được nêu rõ. Các DN khi xây dựng kế hoạch hoạt động cũng đã tính đến việc giá điện tăng”- ông Bạch Thăng Long nói.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Đồng quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp cần cải thiện sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh.

“Với Chính phủ, tôi nghĩ cần tiến tới bỏ cơ chế bù chéo, ngành sản xuất công nghiệp như xi măng sắt thép đang được bù giá điện.

Vì thế điện công nghiệp hiện chịu mức giá 6,8 cent/kWh, điện sinh hoạt 8,7 cent/kWh, doanh nghiệp ngành khác trả 10 cent/kWh.

Trong khi ngành công nghiệp tiêu tốn 55% tổng lượng điện. Vậy nhân cơ hội này phải sửa luật điện lực bỏ bù chéo. Như vậy người dân, doanh nghiệp sẽ đồng thuận và sẵn sàng trả giá điện hợp lý hơn”- ông Cấn Văn Lực kiến nghị.