Chương trình đào tạo người tự kỷ phục vụ quân đội của Israel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ro'im Rachok là chương trình đào tạo đầu tiên đưa những người mắc chứng tự kỷ vào quân đội Israel để sử dụng các kỹ năng quý giá của họ. Mô hình này đã đạt được những thành công nhất định mà nhiều quốc gia khác cũng đang muốn áp dụng.
Học viên tham gia chương trình Ro'im Rachok tại trường Cao đẳng Học thuật Ono ở Kiryat Ono, Israel

Học viên tham gia chương trình Ro'im Rachok tại trường Cao đẳng Học thuật Ono ở Kiryat Ono, Israel

Khả năng nổi trội trong tình báo quân đội

Mỗi ngày, Trung sĩ I (vì lý do công việc nên không thể công khai danh tính) lùng sục trên mạng để tìm thông tin tình báo có thể giúp Israel chống lại kẻ thù của đất nước. Anh là chuyên gia web cho một đơn vị ưu tú của Lực lượng Phòng vệ Israel. Đơn vị này chỉ tập trung nghiên cứu mã nguồn mở để cung cấp thông tin cho lãnh đạo cấp cao, thậm chí có thể được đệ trình lên cả Thủ tướng.

Điều đặc biệt là Trung sĩ I mắc chứng tự kỷ. Giống như khoảng 150 đồng đội khác trong đơn vị, anh nhập ngũ thông qua Ro'im Rachok (Chương trình tạo nguồn nhân lực cho quân đội của Israel được thành lập vào năm 2013 tại trường Cao đẳng Học thuật Ono. Chương trình này tuyển mộ những người mắc chứng tự kỷ để sử dụng các kỹ năng quý giá của riêng họ).

Tại HaKirya - một trong những trụ sở lớn của Lực lượng Phòng vệ Israel - Trung sĩ I nói rằng mình có thể làm công việc căng thẳng này liên tục với sức chịu đựng tốt hơn người khác và hiệu quả nhất khi được giao danh sách việc cần làm. Một dự án mã nguồn mở điển hình của quân đội Israel có thể liên quan đến việc rà soát các phương tiện truyền thông xã hội, các trang web ít người biết đến để biết thông tin về mọi thứ, từ tác động của lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Iran đến quy mô kho vũ khí của lực lượng vũ trang Hezbollah.

Kể về công việc của mình, Trung sĩ I cho biết, thói quen làm việc hàng ngày của anh thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi sự “kích thích” - một hành vi của người tự kỷ có thể liên quan đến việc lặp lại các từ, âm thanh hoặc chuyển động để đối phó với căng thẳng. Anh có xu hướng vỗ tay khi phấn khích hoặc choáng ngợp. Nhưng quân nhân này được dạy trong môi trường giáo dục đặc biệt nên không ngại điều này trước khi vào quân đội.

Trung sĩ I đã tốt nghiệp Ro'im Rachok. Không giống như hầu hết người Israel gốc Do Thái thường đến tuổi 18 phải nhập ngũ, nhiều thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ được miễn. Tuy nhiên, Ro'im Rachok cho phép họ đăng ký làm tình nguyện viên. Đơn vị đầu tiên tuyển dụng quân nhân từ chương trình Ro'im Rachok là Đơn vị 9900 - một đơn vị tình báo có uy tín.

Một thập kỷ trước, Thiếu tá R tiếp nhận một số sinh viên tốt nghiệp khóa học phân tích ảnh chụp từ trên không của Ro'im Rachok dù lúc đó ông không thực sự biết tự kỷ là gì. Đơn vị của ông được ví như “con mắt của đất nước” khi đảm nhiệm việc thu thập, phân tích và lý giải thông tin tình báo bằng hình ảnh trực quan rồi cung cấp cho các chỉ huy trên chiến trường và các lực lượng an ninh khác.

Những hình ảnh này có thể đến từ vệ tinh, máy bay không người lái, các chuyến bay do thám tại dải Gaza và Syria. Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng, đơn vị này đã tham gia Chiến dịch Breaking Dawn sau các cuộc đụng độ ở dải Gaza vào tháng 8-2022. Trong đó, đơn vị 9900 “đã giúp bảo vệ dân thường” và hỗ trợ hoạt động trong các cuộc đụng độ.

Thiếu tá R cho biết, ông đã sớm nhận thấy nhiều binh sĩ mắc chứng tự kỷ có năng khiếu bẩm sinh về phân tích không ảnh. Nếu những quân nhân bình thường làm công việc này dễ bị phân tâm thì các binh sĩ mắc chứng tự kỷ lại có thể tập trung cao độ. “Hầu hết họ không quan tâm đến xung quanh. Họ không muốn nói chuyện với bạn bè. Họ chỉ muốn làm việc của họ. Và họ cực kỳ tập trung vào những gì mình đang làm” - Thiếu tá R nói.

Ông Tal Vardi, người đồng sáng lập Ro'im Rachok, chương trình đào tạo người tự kỷ để phục vụ quân đội Israel

Ông Tal Vardi, người đồng sáng lập Ro'im Rachok, chương trình đào tạo người tự kỷ để phục vụ quân đội Israel

Bên trong khóa đào tạo đặc biệt

Ông Tal Vardi - cựu sĩ quan của Mossad (Cơ quan tình báo Israel), người đã giúp thành lập chương trình cho biết: “Tôi muốn nói rõ một điều, đây không phải là một việc làm từ thiện. Bởi nó đã thực sự mang lại lợi ích chung cho quân đội Israel, cho những người mắc chứng tự kỷ và cho chính gia đình của họ”.

Tình nguyện viên mắc chứng tự kỷ được đưa vào các đơn vị mà họ được coi là có lợi thế so sánh - thường là tình báo quân đội. Nimrod Goren - thành viên cao cấp về các vấn đề của Israel tại Viện Trung Đông (Washington, Mỹ) nhận xét, mặc dù thông tin tình báo và phân tích quân sự rất quan trọng đối với quân đội của các quốc gia, nhưng Israel đặc biệt coi trọng điều đó. “Israel cảm thấy họ đang có mối đe dọa hiện hữu nên cực kỳ coi trọng thu thập thông tin tình báo” - ông lý giải. Quá trình làm tình nguyện viên, những tân binh mắc chứng tự kỷ được huấn luyện các kỹ năng để có thể giúp họ dễ dàng làm việc độc lập tại các ngành nghề dân sự trong tương lai. Ông Vardi nói: “Ý tưởng là kết hợp các nhu cầu với khả năng thực tế để tạo ra điều mà đôi bên cùng có lợi”.

Mặc dù khóa đào tạo đầu tiên của Ro'im Rachok là về phân tích không ảnh, nhưng giờ đây nó mở rộng hơn với các khóa học về gắn thẻ dữ liệu, lập bản đồ thông tin địa lý và điện tử. Mỗi khóa học tạo ra lớp sinh viên phục vụ trong các đơn vị cụ thể, nhưng ở giai đoạn này, họ tham gia các khóa đào tạo với tư cách là dân thường. Học viên của chương trình được làm việc với các nhà trị liệu nhằm giúp họ hiểu và đón nhận chứng tự kỷ của mình. Nội dung chương trình còn liên quan đến việc trang bị cho họ những tình huống chưa từng gặp trước đây như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ứng phó với khả năng bị quân địch bắt làm tù binh và hỏi cung.

Tại lớp đào tạo học viên điện tử, Roni (19 tuổi, đến từ Rishon LeZion) cho biết, cô tham gia khóa học để có cơ hội tốt hơn trong tương lai. “Nó khiến nhiều người tin tưởng hơn vào những gì chúng tôi đang làm. Và chúng tôi cũng giao tiếp nhiều hơn bằng ngôn ngữ” - cô nói. Còn Ron (18 tuổi, đến từ Givatayim) cho biết, khóa học rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân. Ron cho rằng, sự đam mê và tập trung cao độ (điều thường thấy ở những người mắc chứng tự kỷ) khiến anh trở thành một người làm việc tận tâm và học hỏi nhanh. “Khi tôi tập trung vào một thứ gì đó, tôi sẽ không ngừng nghĩ về nó và khám phá rất nhanh” - anh nói thêm.

Có khoảng 10% sinh viên sẽ trượt tốt nghiệp trong mỗi khóa học. Nhưng đại đa số tiếp tục tham gia giai đoạn thử việc kéo dài 4 tháng trong Lực lượng Phòng vệ Israel trước khi được tuyển dụng chính thức. Thông thường, đối với những người lính nghĩa vụ, nam giới sẽ phải phục vụ tối thiểu 32 tháng và nữ giới là 24 tháng. Tuy nhiên, những người tốt nghiệp chương trình Ro'im Rachok có quyền từ bỏ sau 1 năm nếu họ muốn.

Trung sĩ I cho biết, anh thấy việc hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn so với các đồng nghiệp bị tự kỷ khác, nhưng anh cũng phải vật lộn không ít. “Nếu một người bình thường có những thứ họ giỏi và dở, thì đối với một người mắc chứng tự kỷ điều đó còn cực đoan hơn” - anh giải thích. Mặc dù nhận thấy bộ não của mình hoạt động tốt nhất khi có danh sách nhiệm vụ được giao, nhưng binh sĩ này không nghĩ rằng anh có kỹ năng đặc biệt hay là một “siêu thiên tài”. Anh chỉ nghĩ đơn giản rằng “tôi là một người lính”.

Hiện quân đội Anh, Mỹ và Singapore cũng như các ngành công nghiệp dân sự ở Israel đã thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển mô hình này. Cho đến nay, hơn 300 người từ chương trình đã được tuyển dụng cho quân đội và phục vụ tại 27 đơn vị khác nhau.