Chung tay ngăn thảm họa ô nhiễm nhựa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những vật dụng bằng nhựa mà chúng ta thải ra hàng ngày với mỗi người có thể không đáng là bao, song với hơn 8 tỷ người dùng thì rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề ngày càng trầm trọng mà nếu không có nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế cũng như mỗi người, chúng sẽ trở thành thứ ô nhiễm môi trường đe dọa chính sự sống trên Trái đất.

Mối nguy khôn lường từ ô nhiễm nhựa

Trước thềm Ngày Môi trường thế giới 2023 (ngày 5-6) và cuộc đàm phán của Liên hợp quốc tại Paris (Pháp) về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, người phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Eirik Lindebjerg đã kêu gọi, thế giới cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Ông Eirik Lindebjerg cho biết, Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Ô nhiễm nhựa và các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nhựa”, đồng thời nhấn mạnh đây là “một trong những cuộc khủng hoảng môi trường đang gia tăng nhanh nhất trên toàn cầu”.

Ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng có thể đe dọa sự sống trên Trái đất

Ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng có thể đe dọa sự sống trên Trái đất

Theo người phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF, cuộc đàm phán về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, được Liên hợp quốc tổ chức từ ngày 29-5 đến ngày 2-6, nhằm phát triển công cụ có tính ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa. Ông Eirik Lindebjerg cho biết thêm, đây là cuộc họp cuối cùng trước khi các nước thành viên Liên hợp quốc bước vào thảo luận văn bản pháp lý, vì vậy điều quan trọng là các chính phủ cần tham gia cuộc họp với tham vọng lớn và sẵn sàng đưa ra các quy định toàn cầu cụ thể.

Không phải ngẫu nhiên mà giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa lại được chọn là chủ đề nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2023, cùng thời điểm với cuộc đàm phán về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa. Với sự gia tăng dân số cùng sự phát triển của đời sống, tiêu dùng, các vật dụng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống thường nhật của mọi người dân trên thế giới và những vật dụng nhựa bị thải loại vì thế trở thành rác thải nhựa.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), hiện có hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Còn lại, mỗi năm có khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra môi trường, chủ yếu là các hồ, sông và biển. Các hạt nhựa nhỏ (Microplastic) có đường kính chỉ 5 mm có thể lẫn vào thức ăn, nước và không khí. Giới chuyên môn ước tính rằng, mỗi người trên hành tinh tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải hạt nhựa nhỏ trong không khí. Nhựa dùng một lần thường bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.

Ngày càng có nhiều lo ngại về các tác động của hạt vi nhựa (được tạo ra khi các sản phẩm nhựa phân hủy trong môi trường) được tìm thấy từ các vùng đáy biển sâu nhất cho đến những đỉnh núi cao như Everest. Trong cơ thể người, hạt vi nhựa được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai. Những hạt vi nhựa cũng đã được phát hiện trong bụng cá ở nơi sâu nhất của đại dương, hoặc mắc kẹt bên trong những tảng băng ở Bắc Cực. Các mẩu nhựa được cho là nguyên nhân khiến hơn 1 triệu con chim biển và hơn 100.000 động vật có vú dưới biển chết mỗi năm.

Theo nghiên cứu của UNEP, hiện có trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của Trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Báo cáo nghiên cứu của UNEP cho thấy, nhựa có thể thải ra 19% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040.

Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính, lượng sản phẩm nhựa được sản xuất dựa vào nguyên liệu hóa thạch hàng năm trên thế giới dự kiến sẽ vượt 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và rác thải sẽ vượt mức 1 tỷ tấn. Ngay cả khi hành động tích cực để giảm nhu cầu đối với sản phẩm nhựa và cải thiện hiệu quả sử dụng, sản xuất đồ nhựa cũng sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm. Tuy nhiên, OECD cho rằng các chính sách phối hợp toàn cầu có thể giúp tăng mạnh tỷ lệ rác thải nhựa có thể tái chế trong tương lai từ 12% lên 40%.

Phải có rằng buộc pháp lý chống ô nhiễm nhựa

Có thể thấy rõ, tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa tại đại dương, trong khi sản xuất các sản phẩm nhựa vẫn tiếp tục gia tăng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với mọi quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có biển. Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải khi carbon dioxide (CO2) gây hiệu ứng nhà kính, mà còn đe dọa đa dạng sinh học, đặc biệt là sinh tồn của các loài sinh vật biển. Chính vì thế, Giám đốc UNEP Inger Andersen đã nhấn mạnh tới sự việc cần thiết đạt được thoả thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa với tính ràng buộc về pháp lý.

Người phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF cho rằng, việc đàm phán Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa cần tập trung vào các chi tiết nhằm giải quyết hiệu quả và công bằng vấn đề ô nhiễm nhựa. Ông Eirik Lindebjerg nêu rõ: “WWF kêu gọi một hiệp ước có thể cấm hoặc nhanh chóng loại bỏ dần các loại nhựa, sản phẩm, hóa chất, phụ gia có nguy cơ cao nhất khỏi chuỗi sản xuất”. Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái sử dụng và tái chế không độc hại trên quy mô lớn, cũng như vai trò quan trọng của các cơ chế hỗ trợ thích đáng cho việc thực thi hiệp ước, như hỗ trợ tài chính và hợp tác kỹ thuật.

Trước cuộc đàm phán về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa do Liên hợp quốc tổ chức từ ngày 29-5 đến ngày 2-6, các quốc gia đã trải qua vòng đàm phán kỹ thuật trước đó tại Uruguay vào cuối năm 2022. Đây là giai đoạn thứ hai trong 5 giai đoạn đàm phán được kỳ vọng sẽ dẫn đến một thỏa thuận lịch sử liên quan đến việc sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa và xử lý rác thải nhựa vào năm sau.

Năm 2022, khoảng 175 quốc gia tham gia đàm phán đã cam kết sẽ thông qua một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024 nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới. Các nước đang xem xét một loạt biện pháp như ban hành một lệnh cấm quy mô toàn cầu đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Tháng 4-2023, các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italia và Canada) đã cam kết đến năm 2040 chấm dứt hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nhựa. Các nước cho rằng mục tiêu này có thể đạt được nhờ sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và lệnh cấm hoặc hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và nhựa không thể tái chế.

UNEP nhấn mạnh, 3-5 năm tới là khung thời gian quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng hành động nhằm đặt thế giới trên lộ trình hướng đến việc thực hiện kịch bản thay đổi hệ thống vào năm 2040. Trong đó, tái sử dụng là biện pháp hiệu quả nhất, giúp giảm tới 30% ô nhiễm nhựa vào năm 2040, với việc đưa vào những thứ như chai nước tái sử dụng, hệ thống gửi lại hộp đựng và các loại máy tự động thu gom chai nhựa. Theo UNEP, trong khi các chính phủ là người khởi xướng sự thay đổi này, người tiêu dùng sẽ phải “từ bỏ sự tiện lợi và tập quen với các sản phẩm trông ít bóng bẩy hơn”.

Thế giới có thể ngăn chặn được mối đe dọa ô nhiễm nhựa hay không? Điều này đang phụ thuộc vào việc đạt được Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý vào năm 2024 nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa bằng việc đưa ra kế hoạch tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguyên liệu sử dụng để giúp giảm 80% ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nói chung và giảm một nửa lượng sản xuất nhựa sử dụng một lần.