“Chung mâm”, không chung mục đích

ANTĐ - Lần đầu tiên những chiếc tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ và Trung Quốc, vốn là hai đối thủ của nhau ở Thái Bình Dương, cùng tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC do Mỹ tổ chức.
“Chung mâm”, không chung mục đích ảnh 1
Tàu khu trục mang tên lửa Hải Khẩu số hiệu 171 của Trung Quốc
 tham dự cuộc tập trận RIMPAC 2014 của Mỹ


Cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” năm 2014, còn gọi là RIMPAC 2014, đã chính thức bắt đầu ngày 26-6 tại ngoài khơi bờ biển Hawaii của Mỹ và sẽ kéo dài hơn 1 tháng tới ngày 1-8. Tham dự cuộc tập trận do Mỹ tổ chức này có 49 tàu mặt nước và 6 tàu ngầm đến từ 23 quốc gia, đặc biệt lần đầu tiên có sự tham dự của các tàu hải quân Trung Quốc.

“Trình làng” cuộc diễn tập có sự góp mặt của các tàu chiến hiện đại nhất của hơn 20 quốc gia, Trung Quốc đưa tới 1 biên đội tàu chiến tiên tiến nhất của nước này. Đó là tàu khu trục mang tên lửa Hải Khẩu số hiệu 171 thuộc lớp Type 052C, có khả năng tàng hình và được trang bị tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, tên lửa chống hạm IJ-62, radar mạng pha…; tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương số hiệu 575 có khả năng tàng hình, tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp Thiên Đảo Hồ và tàu bệnh viện Phương Châu Hòa Bình.

Cuộc tập trận hải quân RIMPAC do Mỹ tổ chức từ năm 1971 với tần suất 2 năm/lần nhằm tạo cơ hội để Mỹ và các nước đồng minh hay đối tác của mình củng cố và duy trì quan hệ hợp tác quan trọng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các tuyến đường biển. Trong cuộc tập trận RIMPAC vào năm 2012, Mỹ đã bất ngờ khi mời Nga lần đầu tham gia và lần này là Trung Quốc, nước có đội tàu chiến đang được xem là đối thủ lớn nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Thêm phần khó hiểu nữa là cuộc tập trận RIMPAC 2014 khai diễn trong bối cảnh Trung Quốc đã gây gây ra một loạt hành động khiêu khích và gây hấn trên biển với một số quốc gia xung quanh. Hiện Mỹ cũng đang lên tiếng chỉ trích Trung Quốc khiêu khích và gây hấn khi ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cả Mỹ và Trung Quốc đều có mục đích riêng của mình khi cùng tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2014. Nếu như Mỹ muốn thông qua sự tham gia của các chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc để thăm dò mức độ hiện đại hóa và thực chất khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc thì quốc gia này cũng có mục đích tương tự.

Ngoài ra, sau khi Mỹ tiến hành chuyển trọng tâm chiến lược về Thái Bình Dương với việc bố trí ở đây tới 60% lực lượng hải quân cũng muốn trấn an Trung Quốc rằng sự điều chỉnh này không nhằm vào nước này. Washington từng nhiều lần tuyên bố công khai rằng Mỹ không muốn kiềm chế và muốn thấy Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình.

Trong khi đó, Trung Quốc lại muốn tham gia cuộc tập trận RIMPAC để chứng tỏ rằng nước này không có gì phải giấu diếm như cáo buộc về việc hiện đại hóa và tăng cường bất thường lực lượng hải quân đang khiến các nước láng giềng hết sức lo ngại. Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014 nhằm làm giảm sự chỉ trích của quốc tế, nhất là Mỹ, về những hành động hung hăng và khiêu khích hiện nay trên Biển Đông.

Với những toan tính riêng như vậy cho nên dù ngồi “chung mâm” RIMPAC 2014 thì sau khi “tan tiệc” Mỹ và Trung Quốc sẽ lại trở về nguyên trạng là đối thủ của nhau ở Thái Bình Dương.