Phát triển công nghiệp phụ trợ:
Chưa xứng với tiềm năng
(ANTĐ) - Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ từ cách đây nhiều năm, song đến nay, những chuyển biến để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm Việt Nam vẫn là thách thức.
70% nguyên liệu sản xuất của ngành da giày phải nhập khẩu (ảnh minh họa) |
Các ngành sản xuất đều nhập khẩu nguyên liệu
Mặc dù trong bất cứ hội nghị hay báo cáo tổng kết nào, đại diện 2 ngành dệt may và da giày cũng đề cập đến việc cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng tính đến hết năm 2009, công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may trong nước ước đạt 44%, dưới mức trung bình. Còn đối với ngành da giày, 70% nguyên liệu sản xuất vẫn phải nhập khẩu, trong khi đó, nước ta đứng thứ 4/10 nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới về mặt hàng này.
Tương tự, ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam được kỳ vọng là sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình khá cụ thể. Thế nhưng, đến cuối năm ngoái, sau hơn 10 năm hoạt động, ngành công nghiệp ôtô mới nội địa hóa được từ 5-10%, thấp hơn nhiều lần so với mục tiêu đặt ra. Các công ty lắp ráp ôtô trong nước đều sản xuất trên dây chuyền lạc hậu, chủ yếu lắp ráp thủ công. Các công ty liên doanh chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng về lắp ráp.
Cụ thể như Công ty Toyota Việt Nam, theo cam kết tại Giấy phép đầu tư cấp lần đầu thì đến năm 2006, phụ tùng sản xuất trong nước phải đạt tối thiểu 30%, nhưng đến năm 2007, nghĩa là 11 năm sau khi được cấp phép, tỷ lệ này mới đạt được 7%. Hay Công ty TNHH Việt Nam Suzuki, đến năm 2007, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 3% giá trị xe, thấp hơn 35% so với mục tiêu đặt ra từ năm 1996. Tại các công ty còn lại, tỷ lệ nội địa hoá đến hết năm 2007 chỉ đạt từ 2-4% so với cam kết tỷ lệ nội địa hoá là 30%; riêng Honda Việt Nam có tỷ lệ nội địa hoá hết năm 2007 cao nhất, đạt 10%.
Trong lĩnh vực cơ khí, tỷ lệ nội địa hóa đạt cao nhất đang là ngành sản xuất, lắp ráp xe máy, đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất linh kiện điện, điện tử cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%. Các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Công nghiệp phụ trợ kém phát triển không chỉ khiến giá trị gia tăng trên sản phẩm của Việt Nam thấp đi, mà còn khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư và ảnh hưởng đến tiến độ các mục tiêu phát triển công nghiệp của cả nước trong dài hạn.
Cần chuyển biến từ chính sách
Việt Nam đã có chính sách ưu đãi cho phát triển công nghiệp phụ trợ như: các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp hỗ trợ được vay tối đa 85% tổng vốn vay cố định; áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm cho các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế suất thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, các dự án này còn được ưu đãi về công nghệ, cơ sở hạ tầng… |
Mới đây, bày tỏ quan điểm của mình về việc làm thế nào để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, GS Kenichi Ohno cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà chính sách công nghiệp tiên phong Việt Nam cần đạt được là nội lực hóa kỹ năng và công nghệ. Khai thác tài nguyên, FDI, ODA và lợi thế về địa lý cũng rất quan trọng, nhưng những lợi thế này chỉ được đặt ở vị trí thứ yếu, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kỹ năng và công nghệ. Ông Ohno bày tỏ sự thất vọng khi vấn đề này đã được ông nghiên cứu và đề cập đến tại Việt Nam từ 5 năm trước, nhưng đến giờ vẫn chưa có tiến triển rõ rệt nào.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Diễn đàn phát triển Việt Nam, nước ta nên thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ thông qua các chính sách thuế, thiết lập các khu thương mại tự do nhằm thực hiện chiến lược định hướng xuất khẩu, tận dụng thời cơ để chuyển giao cơ sở sản xuất từ Nhật Bản sang. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết trong trao đổi thông tin, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu để đội ngũ nhân lực không ngừng được trau dồi về kỹ năng chuyên môn.
Theo quan điểm của hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản, nguồn nhân lực có tầm quan trọng hơn nhiều so với máy móc hiện đại, bởi việc vận hành máy móc đơn giản không thể tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế.
Vân Hằng