Chưa vượt qua nghi kỵ
(ANTĐ) - Dù các cuộc gặp cấp cao đã được nối lại với tần suất ngày càng dày thêm nhưng quan hệ Nga - NATO vẫn chưa vượt qua được những nghi kỵ của thời “chiến tranh Lạnh”.
Tướng N. Makarov và đoàn quân sự Nga trước trụ sở của NATO ở Brussels |
Hôm qua (5-5), tại Brussels (Bỉ), Đại tướng N. Makarov, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, đã tham gia kỳ họp Hội đồng Nga - NATO cùng tổng tham mưu trưởng quân đội các nước NATO để xem xét và thông qua kế hoạch hợp tác quân sự giữa hai bên trong năm 2010 cũng như những phương hướng hợp tác chủ yếu trong năm 2011.
Phải nói rằng hơn một năm qua, kể từ khi Nga và NATO quyết định khôi phục lại quan hệ vốn bị “đóng băng” sau việc Nga đưa quân vào Nam Ossetia ngăn chặn tham vọng thôn tính khu vực này của Gruzia, hợp tác giữa hai bên đã nhộn nhịp trở lại. Bầu không khí hòa dịu có thể cảm nhận tại cuộc gặp ở Brussels lần này với việc hai bên cam kết hợp tác theo bốn hướng chủ yếu gồm đấu tranh chống khủng bố, chống cướp biển, hỗ trợ hậu cần và phối hợp cứu hộ trên biển. Thậm chí Nga và NATO còn dự định sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung.
Thế nhưng, sự tin tưởng vẫn là điều mà người ta còn chưa thấy trong quan hệ Nga – NATO. Không những thế, không khí hòa dịu nhiều khi bị át đi bởi sự nghi kỵ. Vẫn như trước đây, Nga tỏ ra đặc biệt lo ngại về các vấn đề liên quan đến việc mở rộng NATO sang phía Đông, hệ thống phòng thủ tên lửa và việc triển khai các tên lửa Patriot của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Nga.
Điều gì ẩn chứa sau nghịch lý này? Có nhiều lời giải thích nhưng xem ra thuyết phục hơn cả là báo cáo của một trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại có ảnh hưởng tại Mỹ. Nhận xét về sự trục trặc của quan hệ Nga – NATO, báo cáo này phân tích: “Vấn đề cốt lõi của mâu thuẫn này có thể được tóm tắt khá đơn giản như sau: NATO không cho phép Nga có quyền phủ quyết đối với các quyết định của mình, trong khi Nga tin rằng nước này là một cường quốc lớn xứng đáng có tiếng nói đầy đủ trong các vấn đề an ninh châu Âu”.
Việc NATO kiên quyết theo đuổi các chính sách bất chấp sự phản đối của Nga chính là điểm mấu chốt làm cho quan hệ Nga – NATO dễ nổi sóng, buộc Nga phải nghi ngờ về sự thực bụng của NATO. Đại sứ Nga tại NATO D. Rogozin đã tuyên bố không úp mở rằng: “Tôi sẽ thưởng 1 triệu USD cho người nào chứng minh rằng NATO không theo đuổi kế hoạch quân sự chống lại Nga”.
Nước Nga đang cần những hành động chứ không phải là những lời hứa của NATO. Đáng tiếc là điều này lại chưa thấy trên thực tế. Đơn cử, Nga hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất của tình hình ma túy tại Afghanistan với lượng tiêu thụ heroin tăng đến chóng mặt. Theo ước tính, 90% heroin được tiêu thụ tại Nga là do buôn lậu từ Afghanistan thông qua Tajikistan và Uzbekistan. Nga liên tục đề nghị NATO cùng giải quyết vấn đề này bởi đây không phải là mối đe dọa khu vực, mà đó là vấn đề toàn cầu, nhưng NATO vẫn tỏ ra miễn cưỡng khi hợp tác.
Quan hệ Nga – NATO sẽ không thể suôn sẻ một khi sự nghị kỵ chưa được tháo bỏ, khi toan tính vẫn còn ẩn chứa trong các chính sách của NATO với Nga.
Hoàng Sơn