Chu Vĩnh Khang và bê bối chấn động chính trường Trung Quốc

ANTĐ - Những ngày qua, truyền thông thế giới xôn xao trước việc khoảng 300 người thân, bạn bè và cấp dưới của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sảnTrung Quốc bị tịch thu tài sản với giá trị lên đến 14,5 tỷ USD. Thông tin này như xác thực lời đồn ông Chu là tâm điểm của vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử đương đại Trung Quốc.

Một trong số bất động sản của gia đình anh em Chu Vĩnh Khang tại Vô Tích

“Hạ cánh an toàn”

Ông Chu Vĩnh Khang, SN 1942, ở Vô Tích, Giang Tô, tên thật là Chu Nguyên Căn, từng là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị lần thứ 17 và Bí thư Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương (gọi tắt là Ủy ban Chính pháp) năm 2007-2012. Ủy ban Chính pháp là cơ quan chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến an ninh - trật tự và luật pháp của Trung Quốc, có quyền giám sát hoạt động của mọi lực lượng thực thi pháp luật, kể cả cảnh sát.

Trước khi đảm nhiệm vị trí này, ông Chu Vĩnh Khang đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất, khoa Khảo sát và thăm dò của Học viện Dầu khí Bắc Kinh năm 1966, ông Chu khởi nghiệp với một vị trí bình thường trong ngành công nghiệp dầu khí. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ khoảng năm 1979-1983 khi ông trở thành Phó cục trưởng Cục Khảo sát và thăm dò dầu khí Liêu Hà. Năm 1996, ông trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), tập đoàn năng lượng lớn nhất nước này. Năm 1998, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và đất đai Trung Quốc, giữ chức vụ này trong 4 năm cho đến khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công an.

Xung quanh đời tư của Chu Vĩnh Khang cũng có nhiều chuyện được dư luận bàn tán. Bà Vương Thục Hoa, vợ đầu của Chu Vĩnh Khang, người luôn phiền lòng trước thói trăng hoa của chồng đã chết trong một vụ tai nạn giao thông bí ẩn. Sau cái chết của bà Vương Thục Hoa, ông Chu Vĩnh Khang làm đám cưới với Giả Hiểu Hoa, cháu vợ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Đám cưới đã khiến các con của ông Chu phản đối nhưng lại đem đến càng nhiều quyền lực cho ông. Chu Vĩnh Khang đã “làm mưa làm gió” như thế nào suốt những năm đương chức thì sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực để bàn.

Tháng 11-2012, ông Chu Vĩnh Khang thôi giữ chức Bí thư Ủy ban Chính pháp, “hạ cánh an toàn” gần như trùng khớp với thời điểm ông Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị điều tra. 

Bí mật lộ sáng 

Tháng 7-2013, tờ Bưu điện Hoa Nam đăng một tin ngắn có tựa đề “Chu Vĩnh Khang “lộ diện”, cho biết nhiều quan chức cấp dưới thân cận của ông Chu đã và đang bị điều tra hành vi tham nhũng. Trước khi “ngã ngựa”, ông Bạc Hy Lai từng được ông Chu Vĩnh Khang tiến cử làm người kế nhiệm chức Bí thư Ủy ban Chính pháp và vào Bộ Chính trị. Thế nên quá trình điều tra Bạc Hy Lai, những thông tin không mấy có lợi cho ông Chu Vĩnh Khang cũng dần dần được làm sáng tỏ.

Từ sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11-2012 và lên làm Chủ tịch nước tháng 3-2013, cuộc đấu tranh chống tham nhũng tại Trung Quốc được đẩy mạnh. Theo một bài báo gần đây của hãng Reuters, khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12-2013, ông Tập Cận Bình đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để điều tra nghi án tham nhũng của ông Chu. “Đó là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Trung Quốc”, nguồn tin cho biết. Theo hãng Reuters, ông Chu đã bị giam lỏng từ cuối năm ngoái, tuy nhiên hiện vẫn từ chối phối hợp với cơ quan điều tra và kiên quyết cho rằng bản thân bị cáo buộc tham nhũng là do bị “bức hại” chính trị. 

Sau khi ông Chu Vĩnh Khang về hưu chưa đầy một năm, những nhân vật được cho là “vây cánh” của ông khi còn tại nhiệm lần lượt bị điều tra. Tháng 9-2013, ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ tịch Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản công kiêm chủ tịch CNPC bị cách chức vì “gây ra sai phạm nghiêm trọng” - cụm từ thường được báo chí Trung Quốc chỉ những vụ việc liên quan đến tham nhũng. Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Côn Lôn kiêm Phó Tổng giám đốc của CNPC là ông Lý Hoa Lâm cũng “ngã ngựa” do cáo buộc tham nhũng. Trong năm 2013, những quan chức liên quan đến ông Chu bị cách chức do nghi ngờ tham ô còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, Chủ tịch Chính hiệp Tứ Xuyên Lý Sùng Hỷ. Những cấp dưới thân tín của ông Chu, điển hình như Phó Chủ tịch Hải Nam Ký Văn Lâm cũng bị cách chức và điều tra. Ký Văn Lâm làm việc với ông Chu từ khi ông làm Bộ trưởng Tài nguyên và đất đai vào năm 1998. Khi ông Chu làm Bộ trưởng Bộ Công an năm 2002, Ký Văn Lâm được bổ nhiệm làm trợ lý và giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công an. 

Đáng nói là các quan chức cao cấp trong ngành an ninh có liên hệ mật thiết với ông Chu cũng bị điều tra, như nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, nguyên Giám đốc Sở An ninh quốc gia thành phố Bắc Kinh Lương Khắc. Trang blog.sina cho biết, ông Lương Khắc có mối quan hệ mật thiết với ông Lý Đông Sinh và Chu Vĩnh Khang. Lương Khắc bị cách chức tháng 2-2014. Tuy nhiên, thông tin về nguyên nhân ông Lương bị cách chức không được truyền thông Trung Quốc nêu rõ. 

Cả gia tộc “dựa hơi”

Gia tộc họ Chu được mô tả như một một dòng họ rất có thế lực ở thành phố Vô Tích. Vợ Chu Vĩnh Khang là một doanh nhân có tiếng trong ngành khí đốt và là nhà đầu tư chính của đại lý phân phối xe hơi Audi trị giá hàng triệu đô la Mỹ. Em trai út của ông Chu Vĩnh Khang là phó phòng Tài nguyên và đất đai một quận. Theo người dân địa phương, gia đình họ Chu giải quyết được mọi chuyện, từ chạy việc làm, chạy trúng tuyển đại học, hợp đồng làm ăn, đến cả những vụ kiện cáo chốn pháp đình…

Báo chí Trung Quốc cho hay, Chu Bân, con trai cả của Chu Vĩnh Khang và vợ là Hoàng Uyển đã dành một khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào việc làm phim phát trên Đài Truyền hình Trung ương (CCTV), chính việc đó đã dần dần biến nơi này thành “hậu cung” của Chu Vĩnh Khang. Chu Bân thường tranh thủ, lợi dụng tên tuổi, vị thế của cha để kiếm chác. Một thông tin khác cho biết, Chu Vĩnh Khang còn có quan hệ tình ái ngoài luồng với nhiều phụ nữ trẻ từ khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, trong đó có ca sĩ nổi tiếng Thang Sán. Chỉ riêng ở Bắc Kinh ông ta đã có tới 6 “cung” để lui tới cùng các người đẹp.

Thân tín cũng không thoát

Theo bản  “Thông báo nội bộ” của “Tổ chuyên án Chu Vĩnh Khang và gia đình” thuộc Ủy ban Chính pháp Trung ương về “Danh mục kiểm kê khám nhà” đối với Chu Vĩnh Khang: Trong các ngày 2-12-2013, 10 và 22-1-2014, Viện Kiểm sát 7 tỉnh, thành phố gồm Bắc Kinh, Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông đã ra lệnh khám xét 3 đợt đối với 29 khu nhà ở của gia tộc Chu Vĩnh Khang. Kết quả khám xét cho thấy, Chu Vĩnh Khang và người thân của ông này có 326 căn nhà, tổng giá trị lên tới 1,76 tỷ NDT ở 12 thành phố Bắc Kinh, Thẩm Dương, Đại Liên, Tế Nam, Yên Đài, Thành Đô, Nam Kinh, Vô Tích, Tô Châu, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến. Qua khám xét đã thu giữ 47,850kg vàng, bạc; số lượng rất lớn tiền mặt gồm hơn 150 triệu NDT, hơn 2,7 triệu USD... Ngoài ra các nhà điều tra còn thu giữ cả đống đồ cổ, tranh quý hiếm trị giá khoảng 1 tỷ NDT cùng 62 xe quân sự và các siêu xe đắt tiền...

Nghiêm trọng hơn, tổ chuyên án còn tìm thấy tại các khu nhà của gia tộc Chu Vĩnh Khang cả “kho vũ khí” 27 khẩu súng, gồm 15 khẩu súng ngắn K76, K96, K99 do Trung Quốc sản xuất, 12 khẩu súng ngắn của Đức, Nga, Anh, Bỉ và hơn 11.000 viên đạn các cỡ. Các nhân viên điều tra đã phong tỏa 947 tài khoản nội tệ, 117 tài khoản ngoại tệ đặt tại ngân hàng. 

“Trận động đất quan trường” ở Tứ Xuyên

Tại tỉnh Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang làm Bí thư tỉnh ủy từ 1999 đến 2002 đã hình thành nên hệ thống thế lực rất mạnh. Theo thống kê được đăng tải trên trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc, chỉ riêng năm 2013, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật tỉnh Tứ Xuyên đã lập hơn 9.900 hồ sơ, điều tra gần 10 nghìn đảng viên, gây nên “trận động đất quan trường”, qua đó loại bỏ nhiều “chân rết” của Chu Vĩnh Khang ở đây, trong đó có một số quan chức cấp tỉnh.