Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu - mối đe dọa với các thị trưởng Đức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần 11.000 thị trưởng ở Đức hiện nay hầu hết đều giữ chức vụ trên cơ sở tự nguyện. Giờ đây, trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng, nhiều người có ý định từ chức.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier gặp mặt 80 thị trưởng tiêu biểu ở Berlin hôm 11-4

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier gặp mặt 80 thị trưởng tiêu biểu ở Berlin hôm 11-4

Các chính trị gia địa phương ở Đức đang ngày càng gặp nguy hiểm. “Họ không còn đề cập đến một số chủ đề gây tranh cãi, chấp nhận xóa tài khoản mạng xã hội hoặc thậm chí từ chức để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự thù địch” - Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đưa ra nhận định này hôm 11-4 khi ông và Quỹ Körber mời hơn 80 thị trưởng danh dự đến Berlin để thảo luận về mối quan tâm và nhu cầu của các chính trị gia địa phương, những người thường làm việc không công ở Đức.

Trước sự kiện nói trên, một cuộc khảo sát do Quỹ Körber thực hiện cho thấy, 40% thị trưởng ở các thị trấn nhỏ cho biết, họ hoặc những người thân của họ đã bị xúc phạm, bị đe dọa hoặc tấn công. Không chỉ vậy, gần 2/3 số người được hỏi cho biết, người dân trong khu vực của họ ngày càng bất mãn. Khoảng 35% coi chủ nghĩa cực đoan cánh hữu là thách thức lớn đối với cộng đồng của họ trong những năm tới.

Ông Michael Müller - một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cảm nhận rõ nguy cơ gia tăng đó ở quê hương ông, thị trấn Waltershausen thuộc bang Thuringia. Một đêm tháng 2-2024, chiếc ô tô của ông để trước nhà đã bị đốt cháy, lửa lan sang mặt tiền ngôi nhà ông sống cùng 2 người con. Mọi người đều an toàn, nhưng vụ án hiện đang được điều tra về hành vi cố ý giết người. Ông Müller không tin đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chỉ vài ngày trước ông đã kêu gọi biểu tình chống lại những kẻ cực đoan cánh hữu. “Nhiều người nghĩ, liệu có đáng để tôi hy sinh thời gian rảnh rỗi cho cái xã hội đang đe dọa tôi không? Tôi lo ngại đến lúc nào đó sẽ ngày càng có ít người hy sinh thời gian rảnh rỗi để làm ủy viên hội đồng thành phố, ủy viên hội đồng địa phương hoặc thị trưởng” - ông Michael Müller bày tỏ.

Đã có những tiền lệ đáng báo động khác. Năm 2015, bà Henriette Reker - Thị trưởng thành phố Cologne, thoát chết trong gang tấc khi 1 ngày trước cuộc bầu cử, một kẻ cực đoan cánh hữu cuồng tín đã đâm vào cổ bà. Tương tự, Andreas Hollstein - người đứng đầu thị trấn Altena, cũng bị một kẻ ghét người tị nạn đâm vào cổ vào năm 2017. Vụ sát hại ông Walter Lübcke (một lãnh đạo quận ở Kassel, miền Trung nước Đức) do một kẻ cực đoan cánh hữu gây ra vào năm 2019 đã khiến dư luận Đức chấn động. Chưa hết, công chúng từ đó hiểu rõ hơn những điều mà một số chính trị gia địa phương đã phải chịu đựng như giá treo cổ bỗng dưng xuất hiện trong vườn của họ, xác động vật bị bỏ lại trong hộp thư…

Bà Wiebke Sahin-Schwarzweller - lãnh đạo thị trấn Zossen, Brandenburg, là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cho biết, bà đã bị đe dọa công khai trong chiến dịch bầu cử năm 2019. Chồng bà (người gốc Thổ Nhĩ Kỳ) cũng là mục tiêu bị vu khống. Không giống như các chính trị gia hàng đầu, các chính trị gia địa phương không có sẵn xe limousine bọc thép hoặc an ninh cá nhân, nhưng bà Sahin-Schwarzweller vẫn đang chống trả bằng cách thường xuyên liên lạc với Tổng thống Steinmeier về vấn đề này kể từ năm 2018 và nỗ lực hết sức để mọi người hiểu hơn về mối đe dọa với lãnh đạo địa phương. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của cổng thông tin Stark im Amt - nơi cung cấp hỗ trợ cho các chính trị gia địa phương.

Vào tháng 3-2022, Chính phủ Đức đã đưa ra 10 biện pháp trong kế hoạch hành động chống lại chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, trong đó bao gồm việc bảo vệ các quan chức được bầu và một đầu mối liên lạc toàn quốc mới dành cho các chính trị gia địa phương sẽ được triển khai vào mùa hè này. Ông Marcus Kober từ Diễn đàn Phòng chống tội phạm Đức sẽ chịu trách nhiệm chung về việc vận hành đầu mối đó. Đối với ông Kober, đại diện chính quyền địa phương cần được bảo vệ khẩn cấp bởi họ chính là những người chịu trách nhiệm về mọi quyết định ở cấp cơ sở, là động cơ chính của hệ thống dân chủ.