Chủ động ngăn chặn nguy cơ làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã 44 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Thế nhưng, chúng ta vẫn không thể lơ là, chủ quan bởi đại dịch Covid-19 vẫn đang gia tăng và diễn biến phức tạp trên thế giới.
Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch để góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại

Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch để góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại

Bức tranh toàn cảnh Covid-19 trên thế giới vẫn đầy tính cảnh báo

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến sáng 16-10, đã 44 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Hiện còn 1.124 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, còn lại là số nhiễm bệnh từ bên ngoài được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh Covid-19 trên thế giới thì vẫn đầy tính cảnh báo. Trái với hy vọng, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại tại nhiều nơi trên thế giới với hơn 2 triệu ca mắc mới mỗi tuần. Theo trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 16-10, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 39,15 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó hơn 1 triệu người đã tử vong.

Căng thẳng nhất là ở châu Âu, khi hơn 50% các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với Anh đã phải dán nhãn màu đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC). Tại Italy, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh đến mức hệ thống y tế nước này có thể quá tải, không đủ khả năng để đối phó. Tại Pháp, Chính phủ đã phải triển khai 12 nghìn cảnh sát nhằm tăng cường thực thi lệnh giới nghiêm ở nhiều thành phố lớn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17-10. Hà Lan thì buộc phải đề nghị Đức tiếp nhận và chữa trị giúp bệnh nhân Covid-19 của nước này bởi số người phải nhập viện đã tăng gấp đôi trong tuần qua.

Châu Phi vốn thành công trong việc giảm đường cong dịch bệnh suốt 3 tháng qua, nay lại đang phải đối mặt với tình trạng số ca bệnh và tử vong gia tăng nhanh chóng. Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cảnh báo châu lục này đang đối mặt với “thời điểm then chốt” trong cuộc chiến chống Covid-19 với số ca mắc tăng trung bình khoảng 7%, số ca tử vong tăng trung bình 8% mỗi tuần.

Dù hiện nay trên thế giới có tới 44 mẫu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đang được thử nghiệm trên người, trong đó 11 mẫu ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo sẽ phải mất hàng năm trời các vaccine này mới có thể được phân phối rộng khắp để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Điều đó có nghĩa là thế giới vẫn phải tiếp tục “sống chung” với Covid-19, mà như dự báo của WHO thì ít nhất là đến hết năm 2021.

Chủ động, linh hoạt trước mọi diễn biến của dịch bệnh

Thực tế trên đòi hỏi chính phủ và người dân các nước phải luôn trong trạng thái sẵn sàng để có thể chủ động, linh hoạt trước mọi diễn biến phức tạp của đại dịch. Ở Việt Nam, từ đầu năm đến nay, diễn biến dịch Covid-19 chia làm 2 làn sóng: Làn sóng thứ nhất kể từ khi Việt Nam tuyên bố có dịch (ngày 1-4-2020) cho đến khi các địa phương cơ bản thực hiện tháo gỡ lệnh giãn cách xã hội với thành tích cả nước chỉ có vài trăm ca bệnh, trong đó có một nửa là người bệnh nhập cảnh và đặc biệt là không để xảy ra trường hợp tử vong nào.

Làn sóng thứ 2 bùng phát nhanh, khá bất ngờ, với tâm dịch là thành phố Đà Nẵng (ngày 25-7) và chúng ta cũng đã kịp thời ngăn chặn, dù số bệnh nhân tăng nhanh lên hơn 1.000 người và đã có hơn 30 người tử vong, chủ yếu là các bệnh nhân có bệnh nền nặng và người cao tuổi.

Với việc 44 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát. Nhờ chủ động, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp, chúng ta đã thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa giữ được ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Thành công của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tờ New York Times của Mỹ đã đăng bài “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?”. Trong đó, tác giả bài viết cho rằng việc khống chế Covid-19 đã cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa lại các doanh nghiệp và dự báo đây sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2020.

Tuy nhiên, với việc số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong khi vaccine ngừa bệnh còn chưa biết bao giờ mới xuất hiện, chúng ta không thể chủ quan với dịch bệnh. Thực tế thì thời gian dài không xuất hiện ca lây nhiễm mới đã làm nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan trong trong cộng đồng. Nhiều hoạt động tụ tập đông người, nhưng thiếu các biện pháp phòng dịch cần thiết, đang có xu hướng phổ biến. Trong một số cơ quan Nhà nước, đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh mở cửa trở lại nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nới lỏng các hạn chế đi lại, nối lại một số chuyến bay quốc tế, nguồn bệnh từ bên ngoài vẫn có khả năng xâm nhập nếu như chúng ta không kiểm soát tốt, người nhập cảnh không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế. Nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh trái phép và có thể cả từ hàng hóa nhập khẩu. Thời tiết theo mùa sắp tới cũng rất thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát. Hiện nay, cùng với dịch Covid-19, các dịch: sốt xuất huyết, bạch hầu… cũng đang có nguy cơ lan rộng.

Nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch, rất dễ xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng ta cần thực hiện nghiêm Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch Covid-19, quán triệt tinh thần không thể lơ là mà cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, gia tăng sự chủ động phòng tránh, kiên quyết không để xảy ra nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 3 dịch Covid-19 ở nước ta..

Trong khi chú trọng phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly…; cũng cần chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực cần thiết… để sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Còn với mỗi người dân, điều thiết thực nhất là thực hiện tốt thông điệp 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế.