Chống thất thu thuế thương mại điện tử: Xử phạt, truy thu 220 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Năm tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử 220 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, triển khai thực hiện đề án “Quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam” của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021. Tổng cục Thuế đánh giá, từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Đến nay, nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã chủ động kê khai, nộp thuế trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, tiêu biểu như: Facebook nộp 2.071 tỷ đồng; Google nộp 2.034 tỷ đồng; Microsoft nộp 692 tỷ đồng.

SSố thuế nộp ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô hoạt động thương mại điện tử hiện nay
Số thuế nộp ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô hoạt động thương mại điện tử hiện nay

Kết quả đạt được là khá tích cực, tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tốc độ phát triển, còn thất thu ngân sách Nhà nước.

Để công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT trên nền tảng số mang lại hiệu quả, chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 18 doanh nghiệp trong nước, trong đó: có 6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT; 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán; 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Cùng với đó, ngành Thuế đã có công văn gửi 4 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an... thu thập cơ sở dữ liệu đấu tranh, khai thác và yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.

Thông qua việc tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, 5 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được 220 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trên cơ sở đề án và kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam” đã được Bộ Tài chính phê duyệt, ngành Thuế đang tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin...