Chở khách ế ẩm, hàng không chuyển sang “cõng” hàng để vớt vát doanh thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Máy bay "đắp chiếu", khó khăn kéo dài, hàng không đừng bên bờ vực phá sản. Trong bối cảnh ấy, các hãng hàng không nội địa lần lượt chuyển hướng sang “cõng” hàng hóa để vớt vát doanh thu.

Siêu tàu bay chở hàng hóa

Theo báo cáo dữ liệu về các thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không toàn cầu tháng 4/2021 của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tiếp tục cao hơn mức giai đoạn trước Covid-19, tăng 12% so với tháng 4/2019.

Cũng theo IATA, từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, các hãng hàng không thường xuyên tăng đội tàu chở hàng. Đây cũng là một tín hiệu mừng cho ngành hàng không trong bối cảnh chở khách ế ẩm.

Còn tại Việt Nam, đến nay chưa có hãng bay nào chuyên chở hàng hóa. Việc chở hàng hóa bằng đường hàng không vẫn là tranh thủ khai thác bụng máy bay chở khách mà chưa có đầu tư vào máy bay chuyên chở hàng hóa (freighter).

Vietnam Airlines thường xuyên sử dụng siêu tàu bay để chở hàng hóa như vải thiều đi TP.HCM, đi Nhật Bản...

Vietnam Airlines thường xuyên sử dụng siêu tàu bay để chở hàng hóa như vải thiều đi TP.HCM, đi Nhật Bản...

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng bất chấp dịch Covid-19, cũng bởi vậy trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa và logistics sân bay vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thậm chí có lãi.

Đơn cử, Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (Noibai Cargo) trong quý 1/2021, doanh nghiệp này thu hơn 166 tỷ đồng và lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với quý gần nhất.

Vietjet Air cũng tận dụng tàu bay chở khách để chở hàng trong mùa dịch

Vietjet Air cũng tận dụng tàu bay chở khách để chở hàng trong mùa dịch

Theo đại diện Vietnam Airlines, xây dựng Vietnam Airlines Cargo với đội máy bay chuyên dùng chở hàng hóa là mục tiêu lớn của hãng. Để thực hiện mục tiêu này, Vietnam Airlines đang khẩn trương nghiên cứu đề án xây dựng và đưa vào khai thác đội máy bay chuyên dùng chở hàng trong thời gian tới.

Trước bối cảnh gần như toàn bộ chuyến bay chở khách phải tạm dừng khai thác do dịch diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines đã đưa vào sử dụng 12 tàu bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 để chuyên chở hàng hóa thuần túy trên khoang khách (cabin) và khoang bụng (belly); đồng thời tháo ghế 2 tàu bay thân hẹp Airbus 321 để chở hàng.

Khách ế ẩm nhưng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lại tăng mạnh

Khách ế ẩm nhưng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lại tăng mạnh

Còn Bamboo Airways cũng nuôi tham vọng phát triển mảng vận chuyển hàng hóa với kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo. Hãng này trước đó cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội-Incheon (Hàn Quốc).

Trong giai đoạn hiện nay, Bamboo Airways triển khai ưu đãi vận chuyển đặc biệt cho mặt hàng vải thiều, áp dụng trên tất cả các chặng bay nội địa của hãng bằng các dòng máy bay Airbus A320, A321 và Boeing 787-9 Dreamliner.

Theo Bộ KH-ĐT, hiện nay, khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hàng không suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Dự kiến, số lỗ trong quý 1/2021 của Vietnam Airlines sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ phải trả quá hạn lên tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. Còn ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh…

Thị phần vẫn nằm trong tay hãng hàng không ngoại

Vận tải hàng hóa hàng không dù là một mảnh đất khai thác màu mỡ nhưng đến nay vẫn rơi vào các hãng hàng không ngoại.

Thị trường Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 hãng hàng không chuyển chở hàng là Trai Thien Air Cargo và Tín Nghĩa Express. Tuy vậy, cả hai hãng hàng không chuyên chở hàng hóa này đã phá sản, chưa kịp bay.

Mới đây, Công ty cổ phần IPP Air Cargo-thành viên của Tập đoàn IPPG của ông "trùm" hàng hiệu Việt Nam Jonathan Hạnh Nguyễn cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số Bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng vận tải hàng không IPP Air Cargo.

Tổng mức đầu tư của IPP Air Cargo là 2.400 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Doanh nghiệp này cũng đưa ra mục tiêu nếu được phê duyệt dự án đầu tư, lấy được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý 3/2021; lấy chứng chỉ nhà khai thác vào quý 4/2021, sẽ thực hiện chuyến bay thương mại vào quý 2/2022.

Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, các máy bay thương mại được tận dụng để vận chuyển hàng hóa khó hiệu quả về lâu dài bởi chở hàng dưới khoang bụng thì khối lượng không lớn, chỉ từ 2-10 tấn.

Còn việc bỏ bớt ghế trên khoang hành khách để chở hàng chỉ phù hợp với bối cảnh đại dịch khi chở các hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác chống dịch, hàng viện trợ…

Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, chi phí vận chuyển hàng hóa cao, chỉ có 2 cảng hàng không quốc tế có trung tâm kho hàng hóa quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên đã đánh mất nhiều cơ hội về cạnh tranh thị phần.

Do đó, để vận tải hàng hóa hàng không phát triển, các hãng cần có đội bay cargo chuyên dụng và xây dựng được mạng lưới logistics hàng không đủ lớn, trải đều ở các vùng miền.