Chính trường chấn động vì bóng đá

ANTĐ - Thất bại đau đớn của đội tuyển bóng đá Brazil tại World Cup 2014 diễn ra ngay trên sân nhà không chỉ tạo ra cơn địa chấn thể thao mà còn tác động lớn tới chính trường nước này.

Bạo động đã nổ ra ở nhiều thành phố Brazil sau khi đội tuyển bóng đá chịu thất bại lịch sử

Ở Brazil, bóng đá không đơn thuần là một môn thể thao, thế nên việc đội tuyển bóng đá nước này thảm bại không thể tưởng tượng nổi tại trận bán kết World Cup 2014, lập tức làm bùng nổ nhiều cuộc bạo động đường phố. Tâm trạng buồn chán, giận dữ của rất nhiều người dân cũng vì vậy sẽ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực ở quốc gia mà bóng đá “là hơi thở, là cuộc sống”, trong đó có chính trường với bối cảnh đang diễn ra vận động tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 10 tới.

Cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ bầu các vị trí quan trọng trong chính quyền, quốc hội cũng như hệ thống chính quyền và lập pháp bang mà nổi bật nhất là cuộc bầu cử Tổng thống. Đương kim Tổng thống Dilma Rousseff, người đã được đảng Lao Động (PT) cầm quyền đề cử làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào tháng 10-2014, đang băng băng trên con đường tái cử thênh thang bỗng gặp phải không ít gập ghềnh, khúc khuỷu sau thất bại nặng nề trong giải đấu mà toàn thể người dân Brazil rất kỳ vọng.

Nữ Tổng thống Rouseff, 66 tuổi, nhậm chức năm 2011 và trở thành nữ tổng thống đầu tiên tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latin. Bà từng nhận được tỷ lệ ủng hộ tới 78% vào cuối năm 2012, song làn sóng biểu tình liên tiếp hồi tháng 6 và 7-2013 đã khiến uy tín của bà và Chính phủ Brazil sụt giảm xuống mức kỷ lục 30%. Trong giai đoạn này, hàng triệu người Brazil đã xuống đường hàng ngày, đòi cải thiện điều kiện sống, phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lên án chính phủ tiêu tốn 11 tỷ USD để tổ chức World Cup 2014 trong khi đất nước còn hàng chục triệu người nghèo.

Tuy nhiên, việc World Cup diễn ra thành công và đặc biệt là đội tuyển bóng đá quốc gia giành thắng lợi trong giai đoạn đầu đã giúp gia tăng mạnh uy tín của nữ Tổng thống Rouseff. Thăm dò dư luận ngày 3-7 cho thấy, có tới 38% cử tri được hỏi nói sẽ bỏ phiếu cho bà Rousseff trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, trong khi tỷ lệ này dành cho đối thủ chính của bà là Thượng nghị sỹ Aecio Neves của đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB) chỉ là 20%. 2 ứng cử viên còn lại gồm ông Eduardo Campos và bà Marina Silva còn thấp hơn với 9%.

Nay thất bại được mô tả là “nhục nhã” của đội tuyển bóng đá Brazil ngay trên sân nhà đã ảnh hưởng lớn tới nỗ lực tái cử của nữ Tổng thống Rousseff. Bên cạnh đó, thất bại này còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế Brazil, nhân tố còn quan trọng hơn cả bóng đá tới lá phiếu của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử vào đầu tháng 10 tới. Với số dân hơn 200 triệu người, Brazil vốn là một nền kinh tế “hướng nội”, tức là tiêu dùng nội địa chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP, nên niềm tin người tiêu dùng có vai trò vô cùng quan trọng. Nay khi người dân trở nên bi quan sau thất bại tại World Cup 2014 thì chi tiêu cũng như đầu tư nội địa chắc chắn sẽ giảm mạnh. Trong khi đó, kinh tế Brazil được dự báo chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 1% trong năm nay và lạm phát lại gần vượt mức trần 6,5%.